Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  2. Hùng Nhĩ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Làng Hùng Nhĩ và làng Bảo Vệ là cái nôi của hát ghẹo Phú Thọ. Các cụ kể: Ngày xưa, làng Hùng Nhĩ có nhiều rừng, nhiều gỗ quý nhưng ruộng đất xấu, trồng trọt thu hoạch kém. Làng Bảo Vệ nằm dọc theo sông Thao đất phì nhiêu lại không bị thú rừng phá nên luôn được mùa, nhưng không có rừng, thiếu gỗ làm nhà. Do vậy hai bên kết nghĩa giúp nhau. Hùng Nhĩ mất mùa, Bảo Vệ giúp tiền, giúp lúa. Bảo Vệ cần gỗ làm nhà, Hùng Nhĩ chọn gỗ quý gửi ra. Mối quan hệ giữa hai làng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhân dân đi lại vui chơi, ca hát thành Hát Ghẹo (theo Người Phú Thọ).
  3. Bến Tuần Giáo
    Gọi tắt là bến Tuần, một bến đò thuộc xã Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
  4. Sông Rân
    Tên một con sông chảy qua địa phận xã Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
  5. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  6. Cá ảu
    Cá thu loại nhỏ.
  7. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  8. Sương (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Tăm tăm
    Xa xôi, không có tin tức gì.
  10. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  11. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  12. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  14. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  15. Sáo
    Nhạc cụ thổi hơi, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở ta sáo thường làm bằng ống trúc, được thổi trong những lúc hội hè.

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

  16. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  17. Đàn tranh
    Một loại đàn truyền thống của Việt Nam. Đàn tranh có thân bằng gỗ, dây đàn bằng kim loại (xem hình dưới). Trước kia, đàn tranh có 16 dây, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến thành đàn tranh 17 dây.
    Nghe nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở đây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

  18. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  19. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  20. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  21. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  22. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  23. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  24. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  25. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  26. Ăn trầu gẫm
    Suy nghĩ việc đời. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huỳnh Tịnh Của)
  27. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  28. Quần thoa
    Quần và trâm cài đầu, các vật dụng của phụ nữ. "Quần thoa" hay "khách quần thoa" vì thế chỉ người phụ nữ nói chung.
  29. Tây Thi
    Một trong tứ đại mĩ nhân thời Xuân Thu (Trung Hoa cổ đại). Tương truyền, nhan sắc nàng làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, (gọi là "trầm ngư"). Theo truyền thuyết, Tây Thi là người nước Việt, được dâng cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê mẩn vẻ đẹp của Tây Thi, bỏ bê triều chính, cuối cùng mất nước vào tay vua Việt là Câu Tiễn.

    Tây Thi

    Tây Thi

  30. Việt
    Một nước chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, được biết đến với việc Việt vương Câu Tiễn nuôi chí phục quốc, đánh bại vua Ngô là Phù Sai. Đến thời Chiến Quốc, Việt bị Sở tiêu diệt.
  31. Văn Khương
    Công chúa nước Tề thời Xuân Thu, phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công, nổi tiếng xinh đẹp. Bà loạn luân với người anh khác mẹ là Tề Tương công, dẫn đến việc Tề Tương công giết chết chồng bà là Lỗ Hoàn công, gây nên loạn lạc ở nước Lỗ.
  32. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  33. Chiền chiền
    Tỏ, rõ, rành rành.

    Hai bên giáp mặt chiền chiền
    Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!

    (Truyện Kiều)