Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thành ngữ Hán Việt, chỉ những người hay nghi kị, thấy cành cây cong thì nghĩ là rắn, thấy tảng đá lại tưởng là cọp.
  2. Vong
    Chết, mất (từ Hán Việt).
  3. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  4. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  5. Gạn gùng
    Gạn, lấy phần đục hay phần trong ra (gạn nước vối, gạn vỏ đậu...). Nghĩa bóng là hỏi cho đến cùng.

    Gạn gùng ngành ngọn cho tường
    Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh

    (Truyện Kiều)

  6. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  7. Chùa Keo
    Còn gọi là chùa Keo Thượng, một ngôi chùa cổ (xây năm 1630) thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa nguyên là chùa Keo có từ thời Lý (tên Nghiêm Quang tự, sau đổi thành Thần Quang tự), được xây ở hương Giao Thủy (tên Nôm là Keo), phủ Hà Thanh, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1611, nước sông Hồng dâng lên làm ngập hương Giao Thủy nên một bộ phận dân làng buộc phải di cư lập làng mới Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, xây chùa Keo mới gọi là chùa Keo Thượng (phân biệt với chùa Keo Hạ do nhóm di dân khác lập ở Nam Định cũng trong thời gian ấy). Chùa mang nét kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của thời Lê. Hàng năm vào các ngày đầu xuân và rằm tháng chín, nhân dân quanh vùng lại mở hội chùa rất đông vui.

    Chùa Keo

    Chùa Keo

  8. Rù Rì
    Tên một cái đèo nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Đèo chỉ dài hơn một cây số nhưng đường đi gấp khúc, rất nguy hiểm cho xe cộ. Theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức, tên đèo bắt nguồn từ tên kĩ sư người Pháp Rury, người đã làm đường đèo này.

    Đèo Rù Rì

    Đèo Rù Rì

  9. Chữ chi
    Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
  10. Mặt nạc đóm dày
    Mặt nạc là mặt có phần thịt hai má, trán, cằm nhô ra quá nhiều. Đóm dày là đóm (củi) chẻ dày bản, khó cháy. Cả câu chỉ người ngu độn.
  11. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  12. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  13. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  14. Diệc
    Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...

    Chim diệc đang bắt cá

    Chim diệc đang bắt cá

  15. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  16. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  17. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  18. Chạch bỏ giỏ cua
    Địa vị khó tránh khỏi nguy hiểm, cũng như con chạch bỏ giỏ cua thì bị cua cắp tứ phía, không tránh đâu cho thoát.
  19. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  20. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  21. Có bản chép: nước nhà cậy trông.
  22. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  23. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  24. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  25. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  26. Vồ
    Dụng cụ gồm một đoạn gỗ chắc và nặng có tra cán, dùng để nện, đập. Trong nông nghiệp, vồ được dùng để đập cho đất nhỏ ra.

    Cái vồ

    Cái vồ

  27. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  28. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  29. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  30. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  31. Xít
    Gần sát (phương ngữ Quảng Nam).