Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mường Thanh
    Một địa danh thuộc huyện Điện Biên, có tên gọi bắt nguồn từ "Mường Then," theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời," gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Tại đây có cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất vùng núi Tây Bắc. Hiện nay Mường Thanh cũng là tên một phường thuộc thành phố Điên Biên Phủ.

    Cánh đồng Mường Thanh

    Cánh đồng Mường Thanh

  2. Mường Lò
    Một địa danh nay thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tại đây có cánh đồng Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc (sau Mường Thanh).

    Thung lũng Mường Lò

    Thung lũng Mường Lò

  3. Mường Than
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tại đây có cánh đồng Mường Than, cánh đồng lớn thứ ba của vùng núi Tây Bắc.
  4. Mường Tấc
    Tên một cánh đồng nằm ở vị trí trung tâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cánh đồng Mường Tấc rộng thứ tư trong số các cánh đồng ở Tây Bắc.
  5. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

  6. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  7. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  8. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  9. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Thương hồ
    Người đi buôn (từ Hán Việt 商胡). Ban đầu, người Trung Hoa gọi những lái buôn người nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Á, Ba Tư và Ả Rập, đến Trung Hoa buôn bán là "thương hồ" ("Hồ" nghĩa là người không phải dân tộc Hán). Về sau, "thương hồ" trở thành danh từ chỉ người đi buôn nói chung.
  12. Hữu tình
    Có sức hấp dẫn.
  13. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  14. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  15. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  16. Sẩy
    Chết. Từ này có lẽ có gốc từ cách người Hoa gốc Quảng Đông phát âm chữ tử.
  17. Bánh quai vạc
    Một loại bánh mặn làm từ bột mì có hình dáng giống quai vạc, nhân tôm, thịt, trứng... Khi chế biến, bánh được gấp lại thành hình bán nguyệt và ép mí bánh; khi chín, viền bánh dợn sóng. Tùy theo từng vùng miền, bánh này còn có tên là bánh gối hoặc bánh xếp.

    Bánh quai vạc

    Bánh quai vạc