Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hà Bắc
    Một tỉnh cũ ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
  2. Hải Hưng
    Một tỉnh cũ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
  3. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  4. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  5. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  6. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  7. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  8. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  9. Bài này vốn là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, rút từ tập Duyên nợ phù sinh (1924).
  10. Đặng Mậu Lân
    Tục gọi là cậu Trời, em ruột Tuyên phi Đặng Thị Huệ, là Quận mã (con rể) của chúa Trịnh Sâm. Ông này khét tiếng là người càn rỡ và dâm dật. Tục truyền, ông cậy thế chị, thường ra đường bắt phụ nữ, rồi quây màn hiếp tại chỗ. Tang thương ngẫu lục chép: Về sau, Tuyên Phi và Cung Quốc công (Trịnh Cán) bị phế. Đặng Lân bị bắt bỏ ngục rồi nhịn ăn mà chết.
  11. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  12. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  13. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  14. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  15. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  16. Rượu Hồng Đào
    Một loại rượu ngon. Có nhiều ý kiến khác nhau về cái tên Hồng Đào, như cho rằng "rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu Bàu Đá, ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất đẹp" (nguồn), "rượu đế (trắng) thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng, nhuộm màu hồng của chân hương hay vỏ bao hương cho rượu" (nguồn), hoặc đơn giản chỉ là một cách nói văn vẻ cho loại rượu "được gói trong tờ giấy kiếng màu hồng, được thắt nơ hồng và được đưa vào mâm lễ ở các đám hỏi, đám cưới" (nguồn).
  17. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Tày
    Bằng (từ cổ).
  20. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  21. Nhá
    Dụng cụ bắt cá của miền Trung và miền Nam, tương tự như chiếc vó bè ngoài Bắc. Nhá có bộ gọng tre gồm 5 cây: một cây làm trụ to bằng cổ chân, dài gần bốn sải tay, bốn cây làm bộ kèo nhá nhỏ hơn cổ tay, dài khoảng ba sải tay dùng để căng tấm lưới gai. Tấm lưới gai có chiếc rốn dài, thụng xuống để nhốt cá mỗi khi tấm nhá kéo lên. Muốn bắt cá phải vác nhá đi dọc bờ sông, tìm chỗ đón trổ, đón trúng luồng cá chạy rồi mới thả nhá. Việc đứng bắt cá bằng nhá gọi là đứng nhá.

    Đứng nhá

    Đứng nhá

  22. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  23. Nuộc
    Vòng dây buộc.
  24. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  25. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  26. Cám
    Một loại cây lớn cho quả có nhân cứng bằng ngón chân cái, phiến lá đầy lông vàng mình như cám. Quả cám non và hạt ăn được.
  27. Tân Hội
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
  28. An Hội
    Địa danh trước đây là một xã thuộc quận Trúc Giang, nay thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.
  29. Vĩnh Thạnh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Vĩnh Thạnh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  31. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  32. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  33. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  34. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  35. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật