Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  2. Năng may hơn dày giẻ
    Bán hàng giá rẻ nhưng nhiều người mua (năng may) thì có lợi mau giàu hơn là bán mắc (dày giẻ) mà ít người mua. Cũng có nguồn giải thích: cần cù lao động (năng may) thì hơn là làm giàu bất chính ("dày giẻ" được hiểu là ăn cắp vải của khách).
  3. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn
    Cất giữ lúa gạo phòng khi đói, cất giữ quần áo phòng khi rét (thành ngữ Hán Việt).
  4. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  5. Vun quén
    Nghĩa đen là vun chưn (chân) đắp đất, dọn cho sạch cỏ (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - Huình Tịnh Paulus Của). Nghĩa bóng là chăm lo, vun đắp.
  6. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  7. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  8. Hoạn dưỡng
    Nuôi nấng và chăm sóc (từ Hán Việt).
  9. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  10. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  11. Thịt nấu đông
    Món ăn truyền thống, phổ biến vào dịp Tết. Thành phần chủ yếu gồm thịt chân giò hoặc thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương.

    Thịt nấu đông

    Thịt nấu đông

  12. Tứ hải
    Bốn biển (người xưa cho rằng bốn mặt xung quanh đất liền là biển cả), dùng để nói chung cả thiên hạ.
  13. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  14. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  15. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  16. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  17. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  18. Trường án
    Cái bàn dài, thường là bàn làm việc trong văn phòng của quan chức.
  19. Bonjour (tiếng Pháp), nghĩa là "xin chào." Ở đây cố tình phiên âm sai thành "bủa xua" với hàm ý đùa cợt.
  20. Tham biện
    Cũng gọi là tham tá, một chức quan cao cấp dưới thời Pháp thuộc, chuyên về công việc hành chính.
  21. Câu ca dao này được cho là nói về Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng, con trai cả của Huỳnh Công Tấn) với quan tham biện người Pháp. Trái với người cha bị ghét bỏ vì là chó săn cho Pháp, Hai Miêng được người dân Nam Bộ yêu mến vì tính tình phóng khoáng, thích làm việc nghĩa, ghét cường hào ác bá.