Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Ba
    Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
  2. Sông Đà Rằng
    Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

  3. Đắk Lắk
    Cũng viết là Darlac hay Đắc Lắc, một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, ở độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, với tỉnh lị là thành phố Buôn Mê Thuột. Tên gọi Đắk Lắk theo tiếng M'nông nghĩa là "hồ nước." Đắk Lắk là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Hồ Lak ở Đắk Lắk

    Hồ Lak ở Đắk Lắk

  4. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  5. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  6. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  7. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  8. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  9. Nọc
    Nông cụ cầm tay bằng một khúc gỗ tròn có tra cán, dùng để xoi một lỗ trên đất ruộng khô rồi cấy cây lúa vào đó.

    Nọc

    Nọc

  10. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  11. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  12. Dẽ giun
    Tên chung của một số loài chim lội nước có mỏ dài, thẳng, có màu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh. Ở một số địa phương, chim dẽ giun cũng được gọi là con choi choi hoặc con thọc trùn.

    Dẽ giun

    Dẽ giun

  13. Run như dẽ
    Theo Hoàng Tuấn Công, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy, đặc biệt là khi chim trống quyến rũ chim mái.
  14. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  15. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  16. Quới
    Quý (phương ngữ Nam Bộ). Như quới nhơn, quới nương, quới tử... Cách nói này hiện nay ít dùng.
  17. Xới cơm thì xới lòng ta, so đũa thì phải so ra lòng người
    Thái độ chu đáo, ân cần, nhường nhịn trong đối nhân xử thế.

    Nhà thơ Xuân Diệu giảng đại ý: Người mình trước thường nấu cơm bằng rơm rạ. Cơm chín, phần trên cùng nồi thường bị ướt và nhão không ngon, phần cạnh và đáy nồi cơm dẻo và săn. Người xới thường xới phần trên cho mình trước mới xới phần ngon còn lại cho người khác, đặc biệt là ông bà, cha mẹ, khách quý. Hơn nữa, bát cơm xới không nên quá vơi hay quá đầy.

    Do đũa trước đây vót bằng tre nên không đều, khi so đũa phải chọn những đôi không vênh lệch dành cho người khác trước. Chú ý: xới cơm cho người thì xới sau, còn so đũa cho người lại so trước. Chỉ trong một bữa ăn mà có hai thao tác sau–trước trái ngược hẳn nhau song mục đích lại giống nhau. Thế thật là ý nghĩa.

  18. Năm thê bảy thiếp
    Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Năm thê bảy thiếp chỉ việc một người có nhiều vợ trong chế độ phong kiến.
  19. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  20. Nhận
    Đè mạnh xuống, thường cho ngập vào nước, vào bùn.
  21. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  22. Có bản chép: băng hà. Băng hà nghĩa là chết, nhưng chỉ dùng cho vua chúa.
  23. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  24. Có bản chép: Mình chê ta đục.
  25. Khó
    Nghèo.
  26. Tay gà bới: các ngón tay xòe ra. Tay chó bới: các ngón tay chụm lại.
  27. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  28. Đặng chẳng mừng, mất chẳng lo
    Vô tâm, được mất chẳng hề gì.
  29. Phong Dinh
    Tên một tỉnh cũ tồn tại từ 1956 đến 1975, nay là một phần các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ.
  30. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Volga
    Một hiệu xe sang trọng của Nga, trước đây chỉ dành cho cán bộ cấp cao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Xe Volga

    Xe Volga

  32. Tông Đản
    Trước có tên là Tôn Đản, một con phố ở Hà Nội, nay thuộc các phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Phố được đặt theo tên Nùng Tông Đản, tướng lĩnh người dân tộc Nùng, thuộc tướng của Lý Thường Kiệt, có công lớn cùng Lý Thường Kiệt đánh phá Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu trên đất nhà Tống. Trong thời bao cấp, ở phố Tông Đản có nhiều nhà ở của các cán bộ cao cấp nhà nước.
  33. Câu này chế giễu các cán bộ cao cấp dưới thời bao cấp.
  34. Chạ
    Hỗn tạp, chung lộn.