Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  2. Cộ
    Xe tay, xe bò (từ cũ). Ngựa cộ là ngựa kéo xe.
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  5. Theo giai thoại dân gian truyền lại thì đây là những câu hát mà Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (còn thường gọi là Đoàn Quý Phi) vào một đêm năm 1615, hồi còn là thôn nữ tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã cất tiếng hát từ nương dâu bên bờ sông Thu Bồn khi thuyền rồng của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dạo ngang qua, làm rung động trái tim hoàng tử Nguyễn Phúc Lan. Hai năm sau, hai người kết duyên chồng vợ.
  6. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  8. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  9. Tam Quốc
    Một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu vào cuối nhà Đông Hán (năm 190) và kết thúc năm 280 với sự sụp đổ của Đông Ngô và sự thống trị của Tây Tấn. Đây là một thời kì loạn lạc, liên tục xảy ra tranh giành quyền lực giữa các phe phái, trong đó mạnh nhất là ba nhà Ngụy, Thục và Ngô cuối cùng tạo nên thế chân vạc, chia ba thiên hạ. Ở nước ta trước đây, thời Tam Quốc được biết đến (nhất là ở miền Nam) qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung.
  10. Chu Du
    Ở miền Nam cũng gọi là Châu Du hay Châu Do, một danh tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Công Cẩn, là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại Đô Đốc, nên được gọi là Chu Đô Đốc. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng Xích Bích, trận thủy chiến lớn nhất thời đó. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung mô tả Chu Du là một người còn trẻ, đẹp trai, hiếu thắng và luôn đố kị với Gia Cát Lượng, điều này có lẽ không đúng với lịch sử.

    Chu Du

    Chu Du

  11. Nói chuyện đưa đò
    Nói cho qua chuyện, có ý chòng ghẹo, không thật tâm (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Đát Kỷ
    Cũng thường bị phiên âm sai thành Đắc Kỷ, một mỹ nhân nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc, gây nên sự sụp đổ của nhà Thương. Theo các câu chuyện dân gian, Đát Kỷ là một con hồ ly hóa thành, quyến rũ Trụ Vương, cùng làm những điều tàn ác, sau cùng bị Khương Tử Nha chém chết. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ về sự tồn tại của nhân vật này.
  14. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  15. Neo
    Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.

    Mỏ neo

    Mỏ neo

  16. Đồng Hới
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Trước đây Đồng Hới có tên là Động Hải, là một làng nằm ven cửa sông Nhật Lệ, chuyên làm nghề đánh cá, làm mắm và nấu muối. Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, đây là khu vực tranh chấp giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Lịch sử đô thị Đồng Hới có lẽ được tính từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn để tránh bị chúa Trịnh tiêu diệt vào cuối thế kỉ 16.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  17. Lý Hòa
    Tên một làng biển thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo Lý Hòa và làng Lý Hòa là một quần thể danh thắng thiên nhiên được Bộ văn hóa thông tin công nhận là "Di tích thắng cảnh" cấp quốc gia, cùng với Đèo Ngang là những danh thắng thiên nhiên của tỉnh này.
  18. Phu phụ
    Vợ chồng (từ Hán Việt: phu là chồng, phụ là vợ).
  19. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  20. Đoài
    Phía Tây.
  21. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  22. Cháu bà nội, tội bà ngoại
    Con đẻ ra mang họ nội, nhưng khi cần trông nom lại thường nhờ vả về bên ngoại.
  23. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  24. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  25. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  26. Trúc bâu
    Loại vải trắng mịn, khổ rộng.
  27. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  28. Cô-le
    Trường trung học (theo âm tiếng Pháp collège).
  29. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  30. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  31. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  32. Nói lan man, không đi thẳng vào vấn đề.