Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trăng đầm
    Một loại vải đen, bóng, ngày xưa thường dùng để may áo dài hoặc áo bà ba.
  2. Tiền lẻ hơn thẻ thương binh
    Dưới thời bao cấp, tiền mệnh giá thấp (hào, xu) trở nên hiếm hoi một cách nghiêm trọng. Các nhân viên mậu dịch vì thế tự ý đặt ra quy định: ai có tiền lẻ thì được ưu tiên mua hàng trước cả thương binh.
  3. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  4. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  5. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  6. Vả
    Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.

    Quả vả

    Quả vả

  7. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  8. Bến Hải
    Một một con sông ở miền Trung, chảy dọc theo vĩ tuyến 17 rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Sông có tổng chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Về tên sông, có thuyết nói là địa danh nguyên gọi là Bến Hói (hói nghĩa là sông nhỏ). Trong chiến tranh Việt Nam, sông là ranh giới chia cắt hai miền Bắc và Nam Việt Nam.

    Sông Bến Hải trong chiến tranh Việt Nam

    Sông Bến Hải trong chiến tranh Việt Nam

  9. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  10. U mê ám chướng
    Đầu óc tối tăm, ngu dốt (phương ngữ).
  11. Có bản chép: Ngu si súc tích.
  12. Tục xưa, khi khách đến nhà thì chủ trải chiếu và tem trầu mời khách.
  13. “Lật đật” chỉ dáng vẻ vội vã, tất tả, như lúc nào cũng sợ không kịp.
  14. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  15. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  16. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  17. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  18. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  19. Cá đao
    Loại cá biển rất dữ tợn thuộc họ cá đuối, trên mõm có một mũi sụn kéo dài, hai bên có nhiều răng nhọn, nhìn như thanh đao.

    Cá đao

    Cá đao

  20. Sông Vàm Nao trước đây từng mệnh danh là ổ cá mập, cá đao. Có người nói do Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào. Theo sách Tân Châu xưa (tác giả Huỳnh Minh và Nguyễn Văn Kiềm), năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua, nhưng tới giữa dòng thì bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  23. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  24. Ống đồng
    Ống quyển, cẳng chân.
  25. Lẹ
    Nhanh, mau lẹ (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Khôn
    Khó mà, không thể.
  27. Mái
    Phần dẹp của cây chèo, loại chèo có lấp vào cọc.
  28. Lèo
    Dây buộc từ cánh buồm đến chỗ lái để điều khiển buồm hứng gió. Gió cả, buồm căng thì lèo thẳng. Động tác sử dụng lèo cũng gọi là lèo (như trong lèo lái).
  29. Lái
    Bộ phận phía sau đuôi thuyền, có tác dụng điều khiển hướng đi của thuyền. Thuyền thường có hai người chèo: một người đằng lái, một người đằng mũi.
  30. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).