Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xe chỉ
    Xe là động tác xoắn sợi để tạo nên hiệu ứng theo yêu cầu công việc, hoặc là xoắn rồi gập đôi lại để có một sợi to hơn, chắc hơn, hoặc xoắn bện giữa hai, ba sợi với nhau, hoặc xe từ bông vải để thành sợi chỉ, hoặc xe vuốt cho đầu sợi chỉ đang xòe bung trở thành thuôn nhỏ để luồn kim...

    Nghe bài dân ca Xe chỉ luồn kim.

  2. Sương nác
    Gánh nước (phương ngữ một số nơi ở Trung Bộ).
  3. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  4. Bợp xợp
    Tóc tai rối bù, dài ngắn không đều (khẩu ngữ).
  5. Lồn tù cặc lính
    Chỉ việc bị kìm hãm lâu ngày.
  6. Quán Sở lầu Tần
    Quán Sở: Nơi vua Sở Tương Vương nằm mộng được chung chăn gối với tiên nữ ở núi Vu Sơn. Lầu Tần: Ngôi lầu do vua Tần Mục Công dựng lên để rước Tiêu Sử về dạy thổi sáo cho công chúa Lộng Ngọc, về sau hai người yêu rồi lấy nhau. Quán Sở lầu Tần do đó chỉ nơi hò hẹn tình tự của đôi trai gái yêu nhau.

    Hương đèn khuya sớm độ thân
    Biết đâu quán Sở lầu Tần viển vông
    (Truyện Phan Trần)

  7. Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ
    Có duyên với nhau thì xa xôi cách trở mấy cũng có thể gặp nhau.

    Nghe bài dân ca Hữu duyên thiên lí ngộ.

  8. Chuyên cần
    Chăm chỉ, siêng năng một cách đều đặn (từ Hán Việt).
  9. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  10. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  11. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  12. Sông Ngâu
    Tên phụ lưu bên trái của sông Hồng ở tỉnh Lào Cai.
  13. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  14. Sông Đào
    Một nhánh sông nhân tạo lấy nước từ sông Lam, nằm trên địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Con sông này nối thượng nguồn và hạ nguồn của sông Lam, đọan chảy hình vòng ôm lấy các xã Bắc Sơn, Đặng Sơn và một phần xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, và là đường đi tắt của thuyền, bè lưu thông trên sông Lam.
  15. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  16. Theo Phạm Duy thì có lẽ câu ca dao này chỉ mang ý nghĩa văn học: "Ai đã sáng tác ra câu ca dao vớ vẩn này? Thực ra, chẳng có con sông nào đổ vào sông Thương cả! Sông phát nguyên từ con suối nhỏ ở Bản Thi thuộc Lạng Sơn, chạy theo dãy núi Cai Kinh rồi trước khi đổ vào Bắc Giang, nước chảy lúc mạnh lúc nhẹ giữa hai bờ đá, con sông không dùng trong việc giao thông được. Chỉ khi tới Bố Hạ thì sông Thương mới rộng ra, thuyền bè mới đi lại được. Hai bên bờ sông có đắp đê và con đê dài là con đường bộ của những xe bò, xe ngựa, xe đạp... liên lạc từ làng này qua làng nọ..." (Hồi Ký - chương 16).
  17. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  18. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  19. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  20. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  21. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  22. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  23. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  24. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  25. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.