Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  2. Bất đắc vãng lai
    Không được tới lui thăm viếng (thành ngữ Hán Việt).
  3. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  4. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  5. Thành cổ Lạng Sơn
    Một di tích kiến trúc quân sự nằm ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi cao bao bọc.

    Thành cổ Lạng Sơn

    Thành cổ Lạng Sơn

  6. Thành cổ Cao Bằng
    Một di tích kiến trúc quân sự thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Vào thời Lê, Cao Bằng là trấn nên triều đình cho xây thành trấn giữ. Thành như hiện thấy được xây dựng vào đời Gia Long, tu sửa vào năm 1936. Thành nằm giữa hai con sông Bằng và sông Hiến, mở hai cửa, xây ba mặt, lưng tựa vào núi Ninh Lĩnh.

    Thành cổ Cao Bằng

    Thành cổ Cao Bằng

  7. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  8. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  9. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  10. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  11. Suy
    Suy nghĩ, tính toán cặn kẽ.
  12. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  13. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  14. Có bản chép: nhà thầy.
  15. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  16. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  17. Xoàn
    Kim cương (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Đại
    (Làm việc gì) ngay, chỉ cốt cho qua việc, hoặc không kể đúng sai (khẩu ngữ).
  19. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  20. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  21. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  22. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  23. Yên Phụ
    Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
  24. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  25. Nói thả nói ví
    Nói xa nói gần, nói cạnh khóe.
  26. Đô Lương
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Nghệ An.
  27. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  28. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Gò Vấp
    Địa danh nay là một quận nội thành nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Gò Vấp là quận đông dân cư, và là nơi có nhiều giáo đường, chùa chiền.Theo một số tư liệu, trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng nhiều cây vắp (một loại cây thuộc họ măng cụt) nên có tên gọi là Gò Vắp, sau đọc trại đi mà thành Gò Vấp.

    Cây vắp

    Cây vắp

  30. Giấy quyến
    Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
  31. Đông Hạp
    Một địa danh thuộc vùng An Lương, Bình Định.
  32. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  33. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau
    Nhại khẩu hiệu "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau," mô tả tình trạng chạy ăn từng bữa dưới thời bao cấp.