Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phủ Giầy
    Cũng ghi là Phủ Dầy hay Phủ Giày, một cụm đền chùa tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong đó, quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh... Hằng năm tại đây tổ chức hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch.

    Hội Phủ Giầy

    Hội Phủ Giầy

  2. Chùa Đại Bi
    Dân gian gọi là chùa Bi, một ngôi chùa tọa lạc tại thôn Giáp Ba, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thờ thiền sư Đạo Hạnh. Từ lâu chùa Đại Bi đã trở thành nơi du ngoạn của khách thập phương, nhất là vào dịp hội chùa đầu xuân từ 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch.

    Một góc chùa Đại Bi

  3. Khoai mỡ
    Một loại dây leo cho củ, còn có tên là khoai lăng, khoai tím, củ tía hoặc củ lỗ. Khoai mỡ có hai loại: ruột trắng và ruột tím. Người Việt dùng khoai mỡ tím nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến và dễ làm nhất là nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày.

    Khoai mỡ

    Khoai mỡ

  4. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  5. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  6. Chu
    Một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ 1122 TCN đến 249 TCN, nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần. Đây là triều đại tồn tại lâu nhất của Trung Quốc.
  7. Sự thế
    Việc (sự 事) ở trên đời (thế 世).

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò bãi bể nương dâu

    (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

  8. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  9. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  10. Mạn
    Mượn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Bán thân bất toại
    Bán: nửa, thân: mình, bất: chẳng, toại: thỏa lòng. Chỉ việc nửa thân mình (trên hoặc dưới) không cử động được (vì bệnh tật hoặc tai nạn).
  12. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  13. Neo
    Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.

    Mỏ neo

    Mỏ neo

  14. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  15. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  16. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  17. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  18. Kẻ Dặm
    Tên chữ là Văn Tập, một làng nay thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm dưới chân lèn Hai Vai. Người dân nơi đây sống bằng nghề đục đá, nấu vôi.
  19. Rành rành
    Một số nơi gọi là cây rang hoặc cây chổi trện, một loại cây mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi. Rành rành được khai thác để làm chổi, gọi là chổi rành rành, chổi rang, chổi xể, hoặc chổi trện.

    Cây rành rành

    Cây rành rành

  20. Bể
    Biển (từ cũ).
  21. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  22. Doi
    Phần bãi ở biển hoặc sông hồ nhô ra mặt nước, được tạo thành từ cát và bùn đất do sóng bồi vào.

    Doi cát ở Trường Sa

    Doi cát ở Trường Sa

  23. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  24. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng