Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  2. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  3. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  5. Mười hai bến nước
    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần.”

    Mười hai bến nước, một con thuyền
    Tình tự xa xôi, đố vẽ nên!

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  6. Tấm triệu
    Còn gọi là minh tinh, dải lụa dài trên có chữ ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần… của người chết, treo trên một chiếc đòn nhỏ có người khiêng (gọi là giá triệu), được khiêng đi trước quan tài trong đám tang.
  7. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  8. Tày
    Bằng (từ cổ).
  9. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  10. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách
    Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, dân thường đều phải có trách nhiệm (tục ngữ Hán Việt).
  11. Có bản chép: Ngựa ông Cao Biền.
  12. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  13. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  14. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  15. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  16. Khải Định
    (1885 – 1925), hoàng đế thứ 12 của nhà Nguyễn. Ông tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, lên ngôi ngày 18/5/1916, ở ngôi được 10 năm thì lâm bệnh nặng và qua đời. Ông bị lịch sử đánh giá là một vị vua chỉ ham chơi bời, chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, thân Pháp, và không được lòng dân chúng.

    Vua Khải Định

    Vua Khải Định

  17. Câu ca dao này là tập theo hai câu 931 và 932 trong Truyện Kiều:

    Lầu xanh quen lối xưa nay
    Nghề này thì lấy ông này tiên sư

  18. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  19. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt