Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  2. Sông Sở Thượng
    Một nhánh của sông Tông-lê-Prreat chảy song song với sông Tiền, bắt nguồn từ Ba-năm (Campuchia) và đổ vào sông Tiền ở thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
  3. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  4. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  5. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  6. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  7. Bãi Xàu
    Tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Đây là một thương cảng lớn hồi đầu thế kỷ 20, được hình thành từ sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...

    Giải thích cho tên gọi Bãi Xàu, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nêu ra mấy giả thuyết sau:
    - Tương truyền ngày xưa người Khmer đang nấu cơm, bỗng nghe tin giặc sắp tới, nên hối hả ăn cơm còn sống để chạy, do đó mới gọi là srok Bày Chau, sau này người Việt đọc chệch thành Bãi Xàu.
    - Khi quân triều đình nhà Nguyễn truy đuổi giặc Xà Na Téa tới đây thì quân giặc bỏ chạy khi đang nấu cơm còn sống.
    - Xưa có người vào rừng đốn củi, nhân đó lấy trứng trong rừng đem luộc nấu cơm ăn. Trứng chưa chín thì cặp rắn thần xuất hiện đòi trứng, người này bỏ chạy. Lúc trở lại, lửa đã tắt, trứng đã được rắn thần lấy đi, nồi cơm thì còn sống. Hiện nay, cạnh miếu ông Ba Thắc ở xóm Chợ Cũ có hang rắn hổ ngựa, đồn rằng là chỗ đó.

  8. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  9. Chuối chát
    Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.

    Chuối chát

    Chuối chát

  10. Đại Ngãi
    Một địa danh nay thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây sông rạch ở Đại Ngãi nổi tiếng nhiều tôm càng, nhưng hiện nay đã bị khai thác gần hết.
  11. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  12. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  13. Nước lớn
    Nước dâng cao khi thủy triều lên, hoặc khi sắp có lụt lội. Ngược lại với nước lớn là nước ròng.
  14. Có bản chép: mỏi tay.
  15. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  16. Đây là hai câu 791 và 792 trong Truyện Kiều:

    Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
    Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai:
    Biết thân đến bước lạc loài,
    Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
    Vì ai ngăn đón gió đông,
    Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.

    Đây là lúc Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

  17. Hai chữ Kim Trọng 金重 nếu ghép lại thì thành chữ chung 鍾, ý nói chung tình. Lưu ý, ở đây tác giả dân gian đã mượn hiện tượng đồng âm vì thực chất chữ chung 鍾 này có nghĩa là cái chuông, còn chữ chung với nghĩa chỉ sự chung tình, chung thủy thì là 終.
  18. Khóm
    Loại cây có họ hàng với dứa, ở mép lá có răng như gai nhọn, khi chín quả không có màu vàng như dứa. Ở một số vùng người ta cũng gọi chung khóm và dứa là một.
  19. Đòi
    Đuổi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  20. Ròi
    Ruồi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Bỏng
    Món ăn từ hạt ngũ cốc (gạo hoặc ngô) rang phồng. Xem thêm bánh bỏng gạo.
  22. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  23. Neo
    Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.

    Mỏ neo

    Mỏ neo

  24. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  25. Bá hộ
    Gọi tắt là bá, một phẩm hàm thời phong kiến cấp cho những nhà giàu có.
  26. Mâm cẩn sui
    Mâm quả để biếu sui gia trong lễ cưới.
  27. Mui
    Phần sụn trước mũi cá.
  28. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  29. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  30. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  31. Trang
    Còn có tên là mẫu đơn, một loại cây cho hoa có các màu đỏ, trắng, vàng. Trang thường được người dân trong nước trồng trước nhà, dưới chân các bàn thiên (nơi thắp hương) ngoài sân, hoặc mọc tự nhiên ở những vùng đồi núi.

    Hoa trang hồng

    Hoa trang đỏ