Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Từ Hải
    Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:

    Trơ như đá, vững như đồng,
    Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

  2. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  3. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  4. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Chỉn
    Chỉ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  7. Sông Dinh
    Một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng, chảy quanh thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Hiện sông đã bị bồi lấp. Chú ý: phân biệt với một số con sông ở các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tên là sông Dinh.
  8. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  9. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  10. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  11. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  12. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  13. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  14. Lưu thủy
    Nước chảy (từ Hán Việt). Cũng mang nghĩa bóng là thoáng qua như nước chảy, không sâu đậm, không gắn bó.

    Kê Khang này khúc Quảng Lăng
    Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân
    (Truyện Kiều)

  15. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  16. Thiết bì
    (Da) dày, thô và đen xỉn như màu sắt (từ Hán Việt).
  17. Vô nghì
    Không có tình nghĩa (từ cũ). Cũng nói bất nghì.
  18. Núi Bụt Mọc
    Cũng gọi là rú (núi) Bụt, tên chữ là Tiên Tích Sơn, một ngọn núi nằm trên địa bàn 3 xã Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, thuộc địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lưng núi có tảng đá giống hình người, có vết lõm của bàn chân khổng lồ gọi là Tiên Tích. Trên núi có chùa Bụt Sơn nổi tiếng.
  19. Trụt
    Tụt (phương ngữ).
  20. Khe Giao
    Một làng nay thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  21. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Cá lưỡi trâu
    Một loài cá thuộc họ cá Bơn phổ biến ở nước ta. Thân cá dẹp, dài khoảng 30 cm , mặt lưng và mặt bụng có hai màu khác nhau rõ ràng. Hai mắt đều nằm trên lưng vì khi bơi thân cá nằm sấp uốn lượn như một dải lụa. Cá lưỡi sống ở vùng biển cạn gần bờ, thường nằm vùi mình trong cát biển hoặc nằm sát dưới cát. Tuy nhiên, cá lưỡi trâu cũng có thể sống ở gần cửa sông nước lợ cũng như vào sâu trong các sông nước ngọt.

    Cá lưỡi trâu

    Cá lưỡi trâu

  23. Cá trèn bầu
    Một loài cá nước ngọt phổ biến ở miền Nam nước ta, đặc biệt gặp nhiều ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Cá trèn bầu dài từ 9 đến 50 cm, thân hơi dẹp ngang, thịt ngon là loài có giá trị kinh tế cao.

    Cá trèn bầu

    Cá trèn bầu

  24. Trớt
    Trề ra.