Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Mả táng hàm rồng
    Mồ mả cha ông được chôn cất ở hàm rồng, tức thế đất rất tốt theo phong thủy. Thành ngữ này chỉ sự may mắn, điều lành lớn.
  6. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  7. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  8. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  9. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  10. Quảng Đà
    Tên gọi tắt, dân gian của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước, nay được tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
  11. Bài ca dao này ngụ ý châm biếm tục hút thuốc lá của phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước.
  12. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  13. Cẩm Thanh
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, dừa.

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

    Rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh

  14. Điện Dương
    Tên cũ là Cẩm Hải, nay là một xã ở phía Đông Nam của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  15. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  16. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  17. Khu đĩ
    Không gian trống, hình tam giác, ở đầu hồi nhà, được tạo nên bởi hai mái chính và mái bên (mái chái), giúp tạo thông thoáng không gian dưới mái nhà (phương ngữ Trung Bộ). Có nơi gọi là lồn mèo.

    Khu đĩ của lăng thờ

    Khu đĩ của lăng thờ

  18. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  19. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  20. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  21. Công điền
    Ruộng chung (chữ Hán).
  22. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  23. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  24. Cáy
    Một loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông, thường dùng làm mắm.

    Con cáy

    Con cáy

  25. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  26. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  27. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  28. Vũng Thủy Tiên, cửa Vường
    Ngã ba sông, nơi giao nhau giữa sông Luộc và sông Hồng, nay gọi là ngã ba Phương Trà.
  29. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  30. Hổ mang
    Một loại rắn rất độc, thân mình có thể dài tới 2m, không có vảy má, thường bạnh cổ ra khi bị kích thích, khi đó ở phía trên cổ trông rõ một vòng tròn màu trắng (gọi là gọng kính). Lưng có màu nâu thẫm, vàng lục hay đen, hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu hơn.

    Rắn hổ mang

    Rắn hổ mang

  31. Câu thành ngữ này nói về độ nguy hiểm của hai loài rắn: bị mái gầm cắn thì chết tại chỗ, bị hổ mang cắn thì có thể gắng gượng về đến nhà mới chết.
  32. Củi rều
    Củi từ cành cây nhỏ, cây vụn trôi trên sông.