Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  2. Thầy địa lí
    Người làm nghề xem thế đất để tìm chỗ đặt mồ mả, dựng nhà cửa cho được may mắn, theo thuật phong thủy.
  3. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  4. Xắc-sơ
    Lính chiến (từ tiếng Pháp chasseur).

    Chasseur à cheval (khinh kị binh)

  5. Cát-xê
    Vỡ, rách (từ tiếng Pháp casser).
  6. Táu
    Một loại cây lâu năm, cho gỗ rất cứng, nặng, màu nâu nhạt. Gỗ táu là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu.
  7. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  8. Săng lẻ
    Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.

    Rừng săng lẻ

    Rừng săng lẻ

  9. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  10. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  11. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  12. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  13. Mương Kinh
    Một địa danh trước đây thuộc xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1984, xã Thường Phước tách thành hai xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2.
  14. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  15. Nao
    Có cảm giác chao động nhẹ (về tình cảm).
  16. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  17. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  18. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  19. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  20. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  21. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  22. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  23. Sinh
    Sống, tồn tại (từ Hán Việt).
  24. Phu xe
    Người làm nghề kéo xe tay trước đây, nhất là trong thời Pháp thuộc. Đây là một nghề cực khổ, nhọc nhằn, bị xã hội khinh rẻ.

    Phu xe

    Phu xe

  25. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  26. Nam thanh nữ tú
    Đảo ngữ của "nam tú nữ thanh," có nghĩa là nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì dịu dàng, thanh cao.
  27. Cột cờ Thủ Ngữ
    Tên cột cờ mà người Pháp dựng ở bến Nhà Rồng vào tháng 10 năm 1865. Từ "Thủ ngữ" có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi.

    Cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa

    Cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa

    Cột cờ Thủ Ngữ hiện nay

    Cột cờ Thủ Ngữ hiện nay

  28. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  29. Chùa Đức La
    Tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự, một ngôi chùa cổ có từ khoảng thế kỉ 13, tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Ngôi chùa này từng là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, nơi ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang mở trường thuyết pháp và sau này là nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước.

    Khuôn viên chùa Đức La

    Khuôn viên chùa Đức La

  30. Chùa Bổ Đà
    Tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự (普陀山觀音寺), gọi tắt là chùa Bổ, một trong những ngôi chùa độc đáo nhất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang . Chùa có từ thời nhà Lý thế kỉ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông, đến nay vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc và nhiều thư tịch có giá trị.

    Một góc chùa Bổ Đà

    Một góc chùa Bổ Đà

  31. Chùa Dền
    Một ngôi chùa thuộc tổng Thọ Xương cũ, nay thuộc thị xã Bắc Giang. Đầu thế kỷ 20 chùa bị tháo dỡ, chuyển xuống cạnh thành Dền.
  32. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn