Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  2. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  3. Nắng đan đó, mưa gió đan gầu
    Khi trời nắng dài ngày thì đan đó chờ những ngày sau trời mưa to, tôm cá đầy đồng, đem bán sẽ đắt hàng. Khi trời mưa dài ngày thì đan gàu, vì bao giờ sau khi mưa dài cũng đại hạn, lúc đó đem gàu đi bán sẽ rất chạy.
  4. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  5. Rừng còi
    Rừng thưa.
  6. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  7. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  8. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  9. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  10. Xưa ở huyện Hà Đông có một đôi vợ chồng “kẻ tám lạng, người nửa cân.” Một hôm nhà có giỗ, vợ nấu nồi chè để cúng. Vì thiếu mâm, vợ cứ múc được 2 chén lại mang lên cho chồng sắp lên bàn thờ, cả thảy 7 lần vị chi là 14 chén. Chồng sắp vào bàn thờ nhưng chỉ sắp được 13 chén, còn thừa 1 chén bèn lén vợ ăn hết. Khi cúng xong mang xuống, thấy thiếu 1 chén, vợ bèn hạch chồng. Chồng chối quanh, vợ cả quyết chồng đã ăn vụng. Cãi nhau đến chỗ ẩu đả. Vợ tức mình bèn đâm đơn kiện lên quan huyện. Chồng sợ mất mặt, bèn tìm cách đút lót cho quan huyện. Đến khi xử kiện, quan nhanh trí chỉ lên mái nhà huyện đường mà bảo: “Vợ chồng bay thử đếm mỗi mái nhà có bao nhiêu đòn tay? Có phải mỗi mái có 7 đòn tay không nào? Thế chúng mày đếm từ mái này sang mái kia thử được bao nhiêu? Có phải là 13 không nào.Vậy hai bảy không nhất thiết phải là 14, mà có thể là 13.” Người vợ muốn cãi nhưng quan huyện mắng át: “Thôi vợ chồng đem nhau về, phải sống hòa thuận với nhau, đừng kiện tụng lôi thôi nữa.” Do đó mới có câu ca dao này.
  11. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  12. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  13. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  14. Đô đốc
    Tên một chức quan chuyên trách về quân sự trong thời phong kiến. Tùy theo từng thời kì mà chức đô đốc có những quyền hạn khác nhau, nhưng đều là cấp cao (ví dụ đứng đầu bên võ).
  15. Xa
    Đồ dùng để kéo sợi dệt vải.
  16. Cầu Mông
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Mông, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Cầu Châu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Châu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  18. Cầu Sỹ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Sỹ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Cầu Dừa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Dừa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  21. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  22. Có bản chép: Mâm thau.
  23. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  24. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  25. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  26. Mễ Sở
    Tên một tổng trước 1945, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm đều làm lễ lớn vào tháng hai âm lịch.

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

  27. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  28. Khỏi vòng cong đuôi
    Vô ơn, bội bạc, vừa thoát nạn là quên ngay người đã cứu giúp mình (như con vật vừa thoát khỏi vòng xích đã cong đuôi chạy mất).