Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  2. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  3. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  4. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  5. Nỏ nang
    Đảm đang, lanh lợi (từ cổ).
  6. Mạnh mẫu
    Mẹ của Mạnh Tử - một triết gia nổi tiếng của Trung Quốc. Bà nổi tiếng là người nghiêm khắc và hết lòng dạy dỗ con. Theo Liệt nữ truyện, mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để khuyến khích con chuyên cần học tập. Một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi, bà Mạnh đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt bỏ đi." Mạnh Tử tỉnh ngộ, tu chí học hành, sau này thành một triết gia lỗi lạc. Người đời sau nói về gương giáo dục con cái hay nhắc điển tích Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà (Mạnh mẫu trạch lân).

    Tranh vẽ Mạnh mẫu

    Tranh vẽ Mạnh mẫu cắt tấm vải dạy con

  7. Khương hậu
    Hoàng hậu họ Khương, vợ vua Chu Tuyên Vương nhà Chu (trị vì 828 - 782 trước CN), được hậu thế khen là "triết hậu." Theo Liệt nữ truyện, Chu Tuyên Vương có thói ngủ dậy rất trưa, Khương hậu khuyên can mãi không được, liền tháo trâm, cởi bỏ hoa tai ngồi chịu tội ở cung Vĩnh Hạng (nơi giam cầm những cung phi có tội thời bấy giờ), gởi lời tâu với vua rằng: "Thiếp bất tài, làm cho quân vương vui sắc đẹp mà quên đức, sai lễ, thường dậy trưa. Tội ấy tại thiếp." Vua hối hận, từ đó siêng năng việc cần chính. Người đời sau lấy việc ấy làm điển tích nói về người vợ hiền mẫu mực.

    Tuyên Vương trễ buổi triều mai,
    Bà Khương chịu tội khéo lời khuyên can.

    (Nữ phạm diễn nghĩa từ - Tuy Lý Vương)

  8. Võ Tắc Thiên
    (625 - 705) Thường gọi là Võ Mị Nương, tên thật là Võ Chiếu, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (trị vì 690 - 705). Bà từ địa vị tài nhân (thê thiếp tầm thường) thăng dần lên đến hoàng hậu, vợ vua Đường Cao Tông. Năm 690, bà lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Chu, tiến hành nhiều chính sách chính trị đổi mới, được nhiều hiền nhân đương thời giúp sức như Lâu Sử Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh... Võ Tắc Thiên cũng nổi tiếng chuyên quyền độc đoán và tàn bạo, lại vượt ra ngoài đạo lí thông thường của Nho giáo nên phải chịu nhiều điều tiếng. Về sau bà bị truất ngôi, giam lỏng trong cung rồi chết già.

    Võ Tắc Thiên

    Võ Tắc Thiên

  9. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  10. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  11. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  12. Võ công
    Cha của nhân vật Võ Thể Loan trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Võ công hứa gả con gái là Thể Loan cho Lục Vân Tiên, nhưng sau thấy Vân Tiên gặp nạn, mù lòa nên khinh rẻ; Thể Loan lại lừa bỏ rơi chàng trong hang núi. Sau bạn của Vân Tiên là Vương Tử Trực đỗ đạt, qua nhà Võ công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ công ngỏ ý gả con gái cho Tử Trực thì bị chàng cự tuyệt và mắng vào mặt, Võ công hổ thẹn ốm rồi chết.

    Võ công hổ thẹn trong mình,
    Năm ngày nhuốm bệnh, thình lình thác oan.

  13. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  14. Chợ Kỳ Lộ
    Phiên chợ vùng cao nay thuộc địa phận xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ. Chợ họp mỗi tháng chín phiên, là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải.
  15. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  16. Cổ Lũy cô thôn
    Nghĩa là "thôn Cổ Lũy cô quạnh," cái tên do Nguyễn Cư Trinh đặt cho thôn Cổ Lũy, thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cổ Lũy cô thôn là một trong mười hai danh thắng của tỉnh. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc.

    Cổ Lũy cô thôn

    Cổ Lũy cô thôn

  17. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  18. Ghiền
    Nghiện ngập.
  19. Phân
    Đồng đều, công bằng (từ cổ).
  20. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  21. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  22. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  23. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  24. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  25. Sông Bé
    Địa danh trước kia là một tỉnh của miền Đông Nam Bộ. Tỉnh Sông Bé được thành lập năm 1976, đến năm 1997 thì tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
  26. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  27. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Chỉn
    Chỉ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  30. Đây là "tâm sự" của những người đánh xổ số kiến thiết dưới thời bao cấp.