Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Nạ
    Mẹ. Theo học giả An Chi, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 女 (nữ).
  4. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  5. Khuyển, ưng
    Chó và chim ưng (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ hạng tay sai cho giặc.
  6. Hoàng Cao Khải
    (1850 - 1933) Nguyên danh Hoàng Văn Khải, đại thần triều Nguyễn. Ông chủ trương thân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước. Ông lại có tài văn học, sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Những đánh giá về ông hiện vẫn chưa thống nhất. Sinh thời ông cho xây khu dinh thự, lăng tẩm ở ấp Thái Hà (còn gọi là ấp Hoàng Cao Khải) được đánh giá cao về kiến trúc.

    Hoàng Cao Khải

    Hoàng Cao Khải

  7. Lê Hoan
    (1856 - 1915) Còn gọi Lê Tôn, một đại thần triều Nguyễn. Trước ông theo Quân Cờ Đen chống Pháp, sau cộng tác với Pháp tham gia khủng bố các phong trào yêu nước, nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Những đánh giá lịch sử về ông hiện vẫn chưa thống nhất.

    Lê Hoan

    Lê Hoan

  8. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  9. Chỉ để ăn một bát cháo mà phải chạy ba quãng đồng mới tới. Ý nói: Mối lợi quá nhỏ so với công sức bỏ ra.
  10. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  11. Cơ cừu
    Cơ 箕 là cái giần, cái thúng, cừu 裘 là áo cừu (áo làm bằng da hoặc lông thú). "Cơ cừu" (hay "cơ cầu") chỉ nghiệp nhà, việc con cháu học theo và phát triển nghề nghiệp của cha ông.

    Chữ trong sách Lễ Kí: Lương dã chi tử tất học vi cừu, lương cung chi tử tất học vi cơ (Con nhà thợ đúc giỏi tất học được cách làm áo da, con nhà thợ làm cung giỏi tất học được cách làm thúng).

  12. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  13. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  15. Não bạt
    Nhạc khí làm bằng hợp kim đồng thiếc, gồm hai chiếc giống nhau, hình tròn như chiếc đĩa, có núm để cầm. Người chơi hai tay cầm hai núm, đập hai mặt vào nhau, tạo ra âm thanh to, vang, hơi chói. Não bạt còn có tên là chũm chọe.

    Não bạt (chũm chọe)

    Não bạt (chũm chọe)

  16. Thế phát
    Cạo đầu đi tu (chữ dùng trong nhà Phật).
  17. Cao Miên
    Gọi tắt là Miên, phiên âm sang tiếng Việt của từ "Khmer," chỉ dân tộc Khơ Me. Cao Miên còn là cách người Việt gọi nước Campuchia, với cư dân chủ yếu là người Khơ Me.
  18. Lò Gò
    Một địa danh nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia, nay thuộc tỉnh Tây Ninh.
  19. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  20. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  21. Chưng Đùng
    Hay Chân Đùng, một địa danh nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tên gọi Chưng Đùng được hình thành là do cách phát âm trại của miền Nam mà ra.
  22. Chun
    Chui (phương ngữ).
  23. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  24. Con cón
    Gọn gàng, nhanh nhẹn (từ cổ).