Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  2. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  3. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  4. Chấn
    Cắt rời (bằng dao, đục…).
  5. Mộng
    Một chi tiết kĩ thuật dùng để ghép các thanh gỗ lại với nhau. Người thợ mộc đục gỗ thành một bên lồi (凸) và một bên lõm (凹) gọi là "mộng" và "lỗ mộng," hai phần này ghép khít lại sẽ giúp cố định các thanh gỗ mà không cần đinh.

    Gỗ ghép bằng mộng

    Gỗ ghép bằng mộng

  6. "Mộng lò" phát âm giọng Huế có thể nói lái lại thành "mọ l."
  7. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Ông Cúm bà Co
    Hình tượng dân gian của bệnh cúm.
  9. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  10. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  11. Đây là một tín ngưỡng dân gian, theo đó để chữa bệnh cúm, người ta mua đồ lễ về cúng, vừa cúng vừa đọc bài này. Cúng xong, cho người bệnh ăn đồ lễ (bánh đúc mắm tôm) thì khỏi cúm.
  12. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  13. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  14. Vải bùi
    Loại vải được dệt ở làng Phượng Lịch (tên Nôm là Kẻ Trạch, nay là xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

    Làng vải Phượng Lịch

    Làng vải Phượng Lịch

  15. Vàng tâm
    Còn gọi là cây mỡ, một loại cây thuộc họ Mộc lan, cho gỗ tốt, thơm, khó mối mọt, không nứt nẻ hoặc biến dạng khi khô, được dùng làm đồ nội thất, mỹ nghệ, đóng quan tài.

    Cây vàng tâm

    Cây vàng tâm

  16. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  17. Nỏ thà
    Chẳng thà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Ăn nhắt
    Ăn nhín, ăn dè sẻn.
  19. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  20. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  21. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  22. Rau sắng
    Còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng, thuộc loại cây thân gỗ lớn, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Lá rau sắng có mầu xanh thẫm óng ả, dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Rau sắng là loại rau quý, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Loại rau này được xem là đặc sản ở chùa Hương.

    Muốn ăn rau sắng chùa Hương
    Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
    Mình đi ta ở lại nhà
    Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

    (Tản Đà)

    Rau sắng

    Rau sắng

  23. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  24. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  25. Xanh nhà chỉ lúa chín non đã được gặt về nhà; già đồng là lúa chín ngoài đồng. Lúa chín già thì hạt sẽ chắc mẩy, cho năng suất cao, nhưng chẳng may gặp thiên tai, bão gió mà không gặt kịp thì có khi bị mất trắng. Do vậy, dẫu lúa chưa chín hẳn cũng cần gặt về cho "chắc ăn."
  26. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  27. Chó chạy ruộng khoai
    Lông bông, không mục đích.
  28. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  29. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  30. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  31. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  32. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)