Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  4. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  5. Trầu vỏ
    Loại trầu không ăn với cau, mà thay thế cau bằng một loại vỏ cây, gọi là cây xác giấy hay vỏ chay.
  6. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  7. Có thực mới vực được đạo
    Có thực là có ăn. Đạo là những nguyên tắc tốt đẹp, những điều to tát, thiêng liêng, lý tưởng. Có thực mới vực được đạo ý nói khi những nhu cầu vật chất căn bản được đáp ứng, người ta mới làm được việc tốt hay việc lớn.
  8. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  9. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Hột.
  10. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  11. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  12. Chúa
    Chủ, vua.
  13. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  14. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  15. Phèn
    Dân gian ta gọi chung những tạp chất nhiễm vào nước giếng, nước ruộng... gây mùi hôi tanh, vị chua, hoặc làm cho quần áo bị ố vàng khi giặt... là phèn.
  16. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  17. Rã bèn
    Rệu rã, héo úa.
  18. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  19. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Kẻ bể
    Làng biển.
  22. Giã
    Làm cá (từ cũ).
  23. Cá trắng
    Một loại cá nước ngọt sống chủ yếu ở sông, suối, có thân hình nhỏ dẹp, con to nhất cỡ bằng hai ngón tay người lớn. Cá trắng nướng có hương vị thơm ngọt hấp dẫn.

    Cá trắng nướng

    Cá trắng nướng

  24. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  25. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  26. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  27. Cá mai
    Một loài cá biển nhỏ, mảnh, khoảng chừng ngón tay trỏ, thịt trong, săn chắc. Cá mai được ăn tươi và làm khô, với món ăn nổi tiếng nhất có lẽ là gỏi cá mai, một đặc sản của các địa phương khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà…

    Gỏi cá mai

    Gỏi cá mai

  28. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  29. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  30. Đền Bà Áo The
    Cũng gọi là Phủ Bà, một ngôi đền thờ ở làng Liễu Đôi, Hà Nam. Theo thần phả của làng, bà Áo The chính là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền, khi giặc phương Bắc sang tàn phá bờ cõi, ở làng Thượng có một người con gái họ Lê nằm mơ thấy một vị tiên cho mình một cái áo the. Khi tỉnh dậy, thấy có áo thật, bà lấy mặc thử vào người. Nhưng khi cởi ra thì lại có một cái khác lại xuất hiện ở trên người. Càng cởi, áo càng nhiều, cho đến khi áo chất thành một đống cao. Bà liền chiêu mộ những chị em các làng gần xa về đánh giặc. Khi mặc áo của bà vào, ai cũng có sức khoẻ như thần, nghĩa quân đánh trận nào thắng trận đó. Sau khi bà mất, nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ.
  31. Xem chú thích Liễu Đôi.
  32. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  33. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu