Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Săng lẻ
    Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.

    Rừng săng lẻ

    Rừng săng lẻ

  2. Cá bạc má
    Một loại cá biển, sống thành đàn, có thân hình thuôn dài, hơn dẹt sang hai bên. Đây là một trong những loại cá được đánh bắt nhiều ở nước ta, và được chế biến thành rất nhiều món ăn.

    Cá bạc má

    Cá bạc má

  3. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Chinh
    Tiền chinh. "Cho bạc cho chinh" ý nói cho tiền bạc.
  5. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  6. Câu hát này có những cặp từ Hán-Việt (giăng/trăng-nguyệt, gió-phong, sao-tinh), tương truyền là của bà Võ Thị Nhẫn (1885 - 1958), tục gọi là cô Nhẫn, một nghệ nhân hát ví dặm có tiếng ở Nghệ Tĩnh ngày trước, đặt ra.
  7. Ống ngoáy
    Dụng cụ đựng trầu của những người đã rụng hết răng. Ống ngoáy có thể là một khối gỗ vuông bằng lòng bàn tay có khoét một lỗ tròn trũng sâu ở giữa, khi người hết trầu người ta dùng để đập cau tàn dung (cau già, cứng, thường được làm giống); hoặc được làm bằng ống thau to bằng ngón chân cái. Khi muốn ăn trầu, người ta bỏ miếng trầu đã têm vôi kèm miếng cau dày vào ống, lấy cây chìa ngoáy giằm nát rồi lùa vào miệng nhai.

    Ống ngoáy trầu

    Ống ngoáy trầu bằng đồng thau

  8. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  9. Trướng
    Màn. Ngày xưa, tấm màn che buồng người con gái gọi là trướng. Ngoài ra, theo Thiều Chửu: Quân đi đến đâu, căng vải lên làm rạp để nghỉ cũng gọi là trướng.

    Êm đềm trướng rủ màn che
    Tường đông ong bướm đi về mặc ai

    (Truyện Kiều)

  10. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  11. Hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường được nhuộm đen.
  12. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  13. Hoa quế
    Còn gọi là mộc tê, hoa mộc, quế hoa, cửu lý hương, một loài cây bụi nhỏ thuộc họ Nhài, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Hoa, quả và rễ cây còn được dùng làm vị thuốc Đông y chữa loét miệng, đau răng hay làm đẹp v.v.

    Hoa quế

    Hoa quế

  14. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  15. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  16. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  17. Chi tử vu quy
    Người con gái về nhà chồng. Lấy từ Kinh Thi:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Dịch thơ:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    (Tạ Quang Phát dịch)

  18. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  19. Trang
    Còn có tên là mẫu đơn, một loại cây cho hoa có các màu đỏ, trắng, vàng. Trang thường được người dân trong nước trồng trước nhà, dưới chân các bàn thiên (nơi thắp hương) ngoài sân, hoặc mọc tự nhiên ở những vùng đồi núi.

    Hoa trang hồng

    Hoa trang đỏ

  20. Có bản chép: Bông trang trước cửa, ba bữa bông trang tàn.
  21. Chuyện vãn
    Chuyện nói cho qua thời giờ, không có ý nghĩa gì rõ rệt.
  22. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  23. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  24. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  25. Theo phong thủy, tuổi Dần và Tuất thuộc cung "tam hợp." Những người thuộc các cung này được cho là có tính tình hòa hợp, dễ hóa giải cho nhau.