Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  2. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  3. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  4. Bè rớ
    Một loại nghề của ngư dân Quảng Ngãi, và cũng là công cụ đánh bắt cá của nghề này. Bè rớ gồm có rớ. Bè được làm bằng tre tươi dài nguyên cây, xếp thành nhiều lớp. Nửa bè phía gốc người ta dựng một sườn khoang như khoang thuyền, và phủ kín bên ngoài bằng tấm nang tre đan kín, trát dầu rái (sau thay bằng tôn kẽm) để che mưa nắng. Ngư dân sống trong khoang bè này, và đánh bắt cá dùng rớ.

    Nghề bè rớ hiện nay đã mai một.

  5. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  6. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  7. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  8. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  9. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  10. Nhởi
    Chơi (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Từ
    Ruồng bỏ, không nhìn nhận. Cha mẹ từ con nghĩa là không còn nhận đó là con mình.
  12. Đạo ngãi: đạo nghĩa. Ở đây có lẽ chỉ người tình.
  13. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  17. Sổ lương thực
    Gọi nôm na là sổ gạo, một quyển sổ ghi chỉ tiêu lượng lương thực một hộ gia đình được mua hàng tháng trong thời kì bao cấp. Ví dụ, người dân thường có quyền mua 1,5 lạng thịt/tháng, trong khi cán bộ cao cấp có thể mua 6 kg/tháng.

    Sổ mua lương thực

    Sổ mua lương thực

  18. Đại Hữu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được cho là nơi ra đời của Đinh Tiên Hoàng. Ở đây có núi Kỳ Lân, trên đỉnh núi có gò Bồ Đề, tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh.
  19. Điềm Dương
    Cũng gọi là Điềm Giang, một làng nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là quê hương của thánh sư Không Lộ.
  20. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  21. Có bản chép: bụi chuối.
  22. Con chuối
    Chồi của cây chuối, mọc lên từ củ chuối.
  23. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  24. Thông
    Tên loài cây thân gỗ, thẳng và cao, thường xanh (lá hầu như xanh quanh năm), nhựa thơm, quả nón, thường mọc trong các rừng rậm nhiệt đới khắp nước ta. Trong quan niệm Nho giáo, thông cũng tượng trưng cho người quân tử.

    Đồi thông Đà Lạt

    Đồi thông Đà Lạt

  25. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  26. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  27. Lọ, nhọ.
  28. Có bản chép: củ lang.
  29. Đồng Phó
    Một địa danh nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  30. Hà Nhung
    Một làng thuộc huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  31. Gùi
    Đồ đan bằng tre hoặc mây, có hai quai để vác trên vai (động tác vác gùi cũng gọi là gùi, ví dụ gùi thóc gạo). Gùi rất phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là Tây Nguyên.

    Gùi bắp

    Gùi bắp

  32. Suối Từ Bi
    Một dòng suối ở xóm Tiên An, ấp Tiên Thuận, xã Bình Giang, quận Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì hai bên bờ suối mọc rất nhiều cây từ bi.
  33. Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn thì câu ca là biểu tượng mối bất hòa của Đại tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng với các sắc tộc thiểu số quanh vùng. Tương truyền sau khi bị bắt cùng vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ở Nghệ An, Võ Văn Dũng trốn thoát được về quê hương, đem hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu là Văn Đẩu lẩn tránh trên vùng núi Đồng Phó, Vĩnh Thạnh, tại các làng người thiểu số trước từng hợp tác với nhà Tây Sơn. Quan hệ giữa họ với Võ Công sau không còn gắn bó nữa. Năm Minh Mạng thứ 12 - 1831, chú cháu Văn Đức bị bắt đem về Phú Xuân hành quyết, còn trơ trọi một mình, Võ Công lang thang như mây ngàn, rày đây mai đó khắp vùng thượng nguồn sông Côn...
  34. Suối Mít
    Một dòng suối thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Suối Mít phát nguyên từ miền tây xã Sơn Định chảy theo các triền núi xuống An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An) rồi chảy ra sông Cái. Ngày trước hai bên bờ dân ở khá đông và chuyên trồng mít.
  35. Hòn Vung
    Một tên khác của thôn Phước Hậu, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây trồng nhiều đậu phộng.
  36. Hòn Chúa
    Tên một hòn núi cao 1310m thuộc dãy Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với Khánh Hoà.
  37. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  38. Hòn Vung
    Tên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, có tên như vậy vì nhìn giống một cái nắp vung úp. Tên "Hòn Vung" thường được phát âm sai thành Hòn Dung.
  39. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm