Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  2. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  3. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  4. Chình ình
    Đứng, nằm, ngồi ngay trước mặt người khác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  6. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  7. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  8. Ông lão
    Cũng gọi là ông già, phù lão, đang sen, tên chữ Hán là thốc thu, một giống chim lớn thường sinh sống nhiều ở chỗ đầm hồ rộng, vùng nước có nhiều cây ngập lúp xúp ở Nam Bộ. Chim có hình dạng giống nhưng lớn hơn chim hạc, sắc xanh biếc, cổ dài, mắt đỏ, đầu trọc không có lông, mỏ dẹp và thẳng, dài hơn một thước, đầu luôn trụi lông trông như ông già, lại trông giống như hình cái đầu gậy của ông già, nên có tên như vậy. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng chim ông già vào Huyền đỉnh.

    Hình chim ông lão (thốc thu) trên Huyền Đỉnh

    Hình chim ông lão (thốc thu) trên Huyền Đỉnh

  9. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  10. Có bản chép: ôm gối.
  11. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  13. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  14. Ý nói "không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị" (theo Thành ngữ tiếng Việt - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1978). Trong thực tế giao tiếp hàng ngày, người ta thường nói "dùi đục chấm mắm cáy" hơn là "bầu dục chấm mắm cáy". Tuy vậy, "bầu dục chấm mắm cáy" lại là dạng ban đầu; còn "dùi đục chấm mắm cáy" chỉ là biến thể do đọc chệch "bầu dục" ra "dùi đục" mà thành.

    "Bầu dục chấm mắm cáy" hình thành trên cơ sở của độ chênh, hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm, hoàn toàn không thích hợp khi chấm với mắm cáy là loại mắm hạng xoàng. Bầu dục, nếu ăn đúng cách là phải chấm với chanh, hay nước gừng. Còn mắm cáy thì chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà...

    Nhắc đến cách ăn bầu dục, người xưa có câu:

    Sáng ngày bầu dục chấm chanh
    Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

  15. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  16. Dức
    Mắng nhiếc. Còn nói dức bẩn (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Ngầy
    Phiền nhiễu, bực mình.
  18. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  19. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  20. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  21. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  22. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  23. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  24. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  25. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  26. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  27. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  28. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  29. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  30. Trăng
    Hai tấm ván khoét lỗ, đóng lại để cùm chân kẻ có tội.
  31. Tầm đàng
    Tìm đường (cách nói của người Nam Bộ cũ).
  32. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  33. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  34. Khóc điếng
    Khóc ngất, khóc một hơi dài (phương ngữ Nam Bộ).
  35. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  36. Chim ra ràng
    Chim non vừa mới đủ lông đủ cánh, có thể bay ra khỏi tổ.
  37. Gái mãn tang
    Gái vừa hết tang chồng.
  38. Gà giò
    Gà trống mới lớn, còn non.
  39. Giường cữ
    Giường dành cho người mới sinh ở cữ.
  40. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  41. Phong trần
    Nghĩa gốc là gió (phong) và bụi (trần), hiểu theo nghĩa rộng là chịu nhiều mưa nắng dãi dầu, gian nan vất vả.

    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao

    (Truyện Kiều)