Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thanh Chiêm
    Nay là làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vốn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của Đàng Trong. Đây là nơi chúa Nguyễn Hoàng đặt trấn, trở thành vùng yết hầu để mở cõi về phương Nam. Từ dinh trấn Thanh Chiêm, các chúa Nguyễn đã thành lập Hội An, thu hút tàu bè các nước vào buôn bán. Giáo sĩ Buzomi (người Ý) đã đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành của bộ chữ Quốc ngữ tại đây.

    Dinh trấn Thanh Chiêm cuối thế kỉ 19

    Dinh trấn Thanh Chiêm cuối thế kỉ 19

  2. Quân cấp
    Hình thức chia ruộng thời phong kiến, lấy ruộng đất công chia cho dân tính theo đầu người.
  3. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  4. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  5. Nọc
    Cọc cắm xuống đất để dây trầu quấn mà mọc lên.

    Nọc ở vườn trầu

    Nọc ở vườn trầu

  6. Áo chẹt
    Áo bó sát người (chẹt có nghĩa là chỗ hẹp).
  7. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  8. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  9. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  10. Ở đây chàng trai chơi chữ: Phú (giàu), quý (địa vị cao, người Nam phát âm là quới), ninh (yên ổn), lợi, tiền (tiền tài).
  11. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  12. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  13. Mía tiến
    Loại mía đặc sản mọc trên hai quả đồi đất đỏ là đồi Bạng và đồi ông Phụ ở Triệu Tường-Yên Vỹ, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thân mía mềm, có thể dùng tay bẻ thành từng khẩu ngắn, không cần dùng dao. Bã mía tiến có thể phơi khô tán mịn, trộn thêm các nguyên liệu như nhựa trám, bột hương bài… để làm hương. Dưới thời nhà Nguyễn, cứ đến mùa, nhân dân phải đem mía này tiến vua, nên dần thành tên là mía tiến.

    Mía Triệu Tường

    Mía Triệu Tường

  14. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  15. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  16. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  17. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  18. Nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp
    Đầu là phần ngon nhất của con cá gáy, cũng như cháy cơm là phần thơm nhất của nồi cơm nếp.
  19. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  21. Trường Úc
    Còn gọi là Trường Thuế, một địa danh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ở đây có loại rượu gạo rất ngon, đồng thời nổi tiếng có chợ tình Gò Trường Úc. Chợ này được hình thành đã hơn hai trăm năm có lẻ, chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm, trai gái từ mọi ngả đổ về để hẹn hò, tâm tình kết duyên.

    Chợ tình Gò Trường Úc

    Chợ tình Gò Trường Úc

  22. Có bản chép: Bàu Đá.
  23. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  24. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  25. Ăn nễ
    Ăn cơm không (không có đồ ăn).
  26. Ngồi dưng
    Ngồi không, không làm việc gì.
  27. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  28. Cải lương
    Cải cách, thay đổi để tốt hơn. Đây là từ Hán Việt cũ, nay ít dùng.
  29. Cãi chắc
    Cãi nhau (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  30. Bảo Đại cải lương như phường bội cãi chắc
    Năm 1932, từ Pháp về, hoàng đế Bảo Đại cho ban hành hàng loạt chính sách cải cách, song đa phần mang màu sắc mị dân và không có ý nghĩa thực tiễn. Câu này nhằm đả kích các chính sách cải lương này của Bảo Đại.
  31. Làng Gành
    Một làng biển gần cửa Đại, nay thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.
  32. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  33. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

  34. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  35. Đệm
    Miếng đệm dùng cho ghe đi trên sông, thường làm bằng cọng bàng. Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng thuận lợi cho các loại bàng, lác phát triển. Đặc biệt là vùng đất Cây Bàng xưa rất nổi tiếng với nghề đan đệm buồm bằng cọng bàng.

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

  36. Giắt
    Cài vào, mắc vào.
  37. Ghim đan
    Dụng cụ hình que dùng để đan.
  38. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  39. Vi
    Vây.
  40. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.