Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải Nam Quan
    Tên cửa ải cực Bắc của nước ta, nên còn gọi là ải Bắc. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí:

    Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Ðại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.

    Trong văn học nghệ thuật, lãnh thổ nước ta thường được mô tả là kéo dài "từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau." Tuy nhiên, hiện nay ải Nam Quan lại thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.

    Ải Nam Quan

    Ải Nam Quan

  2. Bồ Đề
    Tên một bến nước xưa thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan (tên thành Hà Nội thời quân Minh đô hộ). Ở đây có hai cây bồ đề lớn, nay không còn. Nghĩa quân Lam Sơn đóng quân quanh đấy nên doanh trại còn được gọi là "doanh Bồ Đề."
  3. Thượng Ải Quan, hạ Bồ Đề
    Theo một số tư liệu, câu này nói về Thân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc), tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn) (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích, tập kích sau lưng đạo quân nhà Tống, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau khi ông hi sinh, người dân lập nhiều đền, miếu thờ ông từ ải Nam Quan đến Bồ Đề.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  6. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  7. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  8. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  9. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  10. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  11. Ba Rãng
    Tên một người con trai của người thầy võ đã dạy Phan Bá Vành môn đánh đao.
  12. Tráng là đường đao rộng, lộn là đường đao hẹp. Câu ca dao này ý khen tài đánh đao của Ba Vành và Ba Rãng: đánh đường đao rộng thì rớt bảy đầu người, còn đánh đường đao hẹp thì ba đầu.
  13. Lạch
    Dòng nước nhỏ hơn sông.
  14. Đững
    Đừng có... (cách nói của Trung và Nam Bộ).
  15. Nói như rựa chém xuống đất
    Lời nói chắc chắn, quả quyết.
  16. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  17. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  18. Se
    Khô.
  19. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  20. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  21. Ăn bần
    Ăn ghẹ, ăn nhờ.
  22. Bạch thiệt
    Lưỡi trắng (chữ Hán).
  23. Trâu, bò có dấu hiệu yếu, bệnh, không nên chọn.
  24. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  25. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  26. Lan chi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lan chi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  28. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  29. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  30. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  31. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  32. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.