Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  2. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  3. Chánh chi
    Những chi họ định cư chính thức lâu đời tại một làng, một địa bàn nào đó, để phân biệt với dân ngụ cư là những người mới đến lập nghiệp.
  4. Lễ hội Cổ Loa
    Hay còn gọi lễ hội An Dương Vương, được tổ chức từ mồng sáu tháng giêng hàng năm ở đền thờ An Dương Vương (đền Thượng) thuộc xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn nghệ thuật truyền thống diễn ra trong suốt thời gian lễ hội như hát ca trù, hát tuồng, đánh cờ, đánh đu, đấu vật, đánh đáo đánh mẹt, chọi gà, cờ người, bắn cung...

    Hội Cổ Loa

    Hội Cổ Loa

  5. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván

  6. Chùa Bảo Tịnh
    Còn có tên là chùa Bửu Tịnh hay chùa Cát, một ngôi chùa cổ ở phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, được thiền sư Liễu Quán xây dựng vào cuối thế kỉ 17.

    Chùa Bảo Tịnh

    Chùa Bảo Tịnh

  7. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  8. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  9. Ông Trang
    Tên một cửa biển nơi sông Cái Lớn đổ ra biển, nay thuộc địa phận thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Cồn cát ở đây cũng có tên là cồn Ông Trang, nơi hội tụ của nhiều loài thủy hải sản, đồng thời là nơi các đàn chim di trú dừng chân kiếm ăn mỗi khi bay về phương Nam. Hiện nay cồn Ông Trang là điểm du lịch hấp dẫn của Cà Mau.

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

  10. Viên An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Địa hình Viên An chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, nhiều rừng tràm, đướcsú vẹt.
  11. Khai Long
    Tên một bãi cát giồng uốn lượn dọc bờ biển thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một vùng đất trù phú, có nhiều loài thủy hải sản sinh sống như tôm, cua, các loại cá, nghêu, sò huyết, vọp, ốc len… Hiện nay Khai Long đang được khai thác thành một bãi biển du lịch.

    Phong cảnh Khai Long

    Phong cảnh Khai Long

  12. Cá đường
    Một loại cá đặc sản của tỉnh Cà Mau, ngoài ra còn được tìm thấy ở vịnh Bắc Bộ nước ta. Cá đường có màu vàng, có thể dài tới 1 mét 6, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng như lá lúa. Trước đây, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại huyện Ngọc Hiển diễn ra hội cá đường, người dân đánh bắt được rất nhiều cá. Ngày nay, cá đường ngày càng trở nên hiếm đi giảm do ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức. Thịt cá đường có thể làm khô mặn, nhưng phần giá trị nhất là bong bóng cá đường vì có thể được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong phẫu thuật.

    Đánh bắt cá đường

    Đánh bắt cá đường

  13. Ngày xưa vào ngày hội cá đường, vì số lượng cá đánh bắt được quá nhiều, người dân làm cá chỉ giữ lại bong bóng cá (có giá trị cao), còn xác cá thì bỏ đi.
  14. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  15. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  16. Xấu dạng hữu tài
    Vẻ ngoài xấu xí nhưng có tài năng.
  17. Lý Nhân
    Một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, có tên cũ là huyện Nam Xương, biến âm thành Nam Xang. Huyện nằm ở phía đông của tỉnh, bên bờ sông Hồng. Tên Nam Xương được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Người con gái Nam Xương, câu chuyện xảy ra từ thời Trần, lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dư được chép lại vào cuối thế kỷ 16 trong tập Truyền kỳ mạn lục.

    Lý Nhân là nơi giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trồng đồng còn nguyên vẹn và có giá trị nhất nước ta - được tìm thấy ở đây.

  18. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  20. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  21. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  22. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  23. Xưa kia Nam Xang (Lý Nhân hiện nay) là một huyện nghèo, thiếu thóc gạo. Mỗi năm cứ vào tháng 7, tháng 8, mùa mưa đến, nhân dân ở đây phải đi vay gạo ở khắp các tỉnh lân cận.
  24. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  25. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  26. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  27. Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
  28. Có bản chép: cho khoái.
  29. Khô khoai
    Khô cá khoai. Cá khoai, có nơi gọi là cá cháo, là một loại cá có nhiều ở các vùng biển Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, và nhất là Cà Mau. Cá dùng để nấu canh, nấu lẩu, hoặc làm cá khô.

    Phơi khô khoai

    Phơi khô khoai

    Khô khoai

    Khô khoai

  30. Trang
    Đồ bằng gỗ, được đóng hoặc treo trên tường, chỗ cao ráo, trang trọng để thắp nhang, đặt bình hoa và các vật phẩm khác để thờ cúng ông bà tổ tiên.
  31. Nho giáo
    Một hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử sáng lập (nên còn gọi là Khổng giáo). Mục đích của Nho giáo là để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc (như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...). Người theo học đạo Nho được gọi là nhà Nho (Nho gia).
  32. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  33. Tráp
    Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.

    Cái tráp

    Cái tráp

  34. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  35. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  36. Xe tứ mã
    Xe bốn ngựa kéo.
  37. Quan viên
    (Kiểu cách) quan khách, những người tham dự cuộc vui nói chung.
  38. Nón Nghệ
    Thứ nón tốt xưa làm tại Nghệ An.
  39. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  40. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  41. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  42. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  43. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  44. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  45. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  46. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  47. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  48. Địch Nghi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Địch Nghi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  49. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Thái thể
    Như thể.