Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  2. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  3. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  4. Có bản chép: cầu Non Tiên (không rõ là cầu gì).
  5. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  6. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  7. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  8. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  9. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Cà cuống
    Loài bọ cánh nửa, sống ở nước, phần ngực con đực có hai túi chứa tinh dầu mùi thơm, vị cay, dùng làm gia vị.

    Con cà cuống

    Con cà cuống

  11. Bận
    Mặc (quần áo).
  12. Đường nguyên soái oái oái kêu cha
    Nói về con đường do tên Giốp, nguyên soái thực dân Pháp, bắt dân ta đắp năm 1922 để đi vào chiến lũy Ba Đình nhằm dựng lại toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hà Văn Mao (1886-1887). Tên này đã từng là đại úy công binh bị thương khi đánh vào Ba Đình. Lúc đã là nguyên soái, y trở lại Việt Nam và muốn tìm hiểu lại Ba Đình nên bắt dân đắp con đường này. Công việc đắp đường vô cùng cực nhọc, dân kêu ca oán thán.
  13. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  14. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  15. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  16. Vải bố
    Vải dày dệt bằng sợi đay thô.

    Vải bố

    Vải bố

  17. Bố tời
    Loại vải như vải bố, nhưng thô hơn, thường dùng làm bao tải.

    Bao bố (bao đay)

    Bao bố (bao đay)

  18. Đầu thai
    Một khái niệm trong được tìm thấy trong các triết lý tôn giáo lớn của Ấn Độ, bao gồm Yoga, Phật giáo, đạo Jain và một số tôn giáo khác. Đó là niềm tin về việc con người có nhiều kiếp sống. Sau khi chết, mỗi người tùy theo các điều kiện riêng của mình sẽ tái sinh trong một kiếp mới, mang một thân phận mới. Thân phận này có thể là người, cũng có thể là những sinh linh khác như con vật hoặc cái dạng tồn tại khác.
  19. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  20. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  21. Nệ
    Bận tâm, bận lòng, chú ý, chấp nhặt.
  22. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  23. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  24. Hột cơm còn dính kẽ răng
    Cơm (được người khác cho) ăn còn dính ở kẽ răng (đã mở miệng chê bai hoặc phản bội).
  25. Cơm phiếu mẫu
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Sở Vương Hàn Tín thuở hàn vi hay ngồi câu cá dưới thành, một bà làm nghề phiếu hàng lụa (giặt lụa đem phơi cho trắng) thương tình chia cho phần cơm. Được mươi bữa như thế, Tín cảm động hứa sau này sẽ cảm tạ, bà mới giận mắng: "Đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình mới cấp dưỡng chứ nào mong đền đáp?" Về sau Hàn Tín công thành danh toại, không quên ơn cũ, mời phiếu mẫu đến tặng nghìn vàng. Từ đó, cụm từ cơm phiếu mẫu được dùng để chỉ lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (có nguồn giảng là sự đền đáp ơn sâu nặng).

    Nghìn vàng gọi chút lễ thường
    Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!

    (Truyện Kiều)

  26. Bài này nói về dòng họ của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y. "Ba vua" gồm có: Dục Đức (con trai của Thoại Thái Vương, bị phế truất và bỏ đói cho đến chết), Thành Thái (con trai của vua Dục Đức, chủ trương chống Pháp nên bị đày ra đảo Réunion), và Duy Tân (con trai vua Thành Thái, cùng bị đày với cha).