Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phong trần
    Nghĩa gốc là gió (phong) và bụi (trần), hiểu theo nghĩa rộng là chịu nhiều mưa nắng dãi dầu, gian nan vất vả.

    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao

    (Truyện Kiều)

  2. Chòi
    Với lên cao.
  3. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  4. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  5. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  6. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  7. Trong hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Liễu.
  8. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  9. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Đột
    Cách khâu găm đứng mũi kim để may từng mũi thật khít cho chắc chắn.
  11. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  12. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  14. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  15. Cầu tự
    Tập tục xin con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, đến nay vẫn còn. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh: Khi nào vợ chồng ở với nhau lâu mà không có con thì người ta cầu tự. Cầu tự có nhiều cách: Người thì uống thuốc cho bổ khí huyết, người thì [...] nhờ thầy phong thủy dịch mả, người thì đi lễ chùa này miếu nọ để cầu con. (Việt Nam văn hóa sử cương).
  16. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  17. Lúa chét
    Lúa mọc lên từ gốc ra của cây lúa đã thu hoạch. Đây là nguồn lúa quý báu cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mùa nước nổi sắp về. Nếu siêng ra đồng gặt lúa chét, dân nghèo sẽ dự trữ được nguồn lương thực, không còn lo thiếu ăn.
  18. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng

  19. Câu đố này dùng hiện tượng đồng âm “mét” và “méc.”
  20. Gió vàng
    Do chữ Hán kim phong, nghĩa là gió mùa thu, vì mùa thu ứng với hành Kim trong Ngũ hành.

    Trải vách quế gió vàng hiu hắt
    Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
    (Cung oán ngâm khúc)

  21. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Chỉn
    Chỉ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  24. Măng vòi
    Măng mọc ra từ nhánh tre (thay vì từ gốc), có thể dùng làm thức ăn như măng chua.

    Măng vòi

    Măng vòi

  25. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.