Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vinh Ba
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, có nghề truyền thống là đan lát. Hiện nay thôn Vinh Ba đã phát triển thành một làng nghề thủ công mĩ nghệ của tỉnh.

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

  2. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  3. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  4. Phú Diễn
    Nay là thôn Phú Diễn, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề chằm nón từ lâu đời. Dưới thời Nguyễn có hơn 90% hộ gia đình làm nghề này, với hai loại sản phẩm chủ yếu là nón sụp và nón chóp. Sản phẩm nón Phú Diễn có mặt ở nhiều làng xã trong tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

    Chằm nón ở Phú Diễn

    Chằm nón ở Phú Diễn

  5. Chằm nón
    Công đoạn chính trong việc làm nón lá. Người làm nón chuốt từng sợi tre nan vành một cách công phu, sau đó uốn thành vòng cho tròn, rồi lợp lá (bao nhiêu lớp tùy loại nón) và khâu vào vành.

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

  6. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  7. Phú Thuận
    Một địa danh nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với phía bắc tỉnh Khánh Hòa, trước có nghề dệt vải. Trong thế kỉ 19, Phú Thuận là một trong những căn cứ quan trọng của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương tỉnh Phú Yên.
  8. Bắn bông
    Một công đoạn trong việc dệt vải: Dùng dây cung bật vào bông vải làm cho tơi xốp để kéo chỉ bằng con cúi.
  9. Đây đều là các thôn nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, hoặc các xã lân cận (do chia lại địa giới hành chính).
  10. Đèn chai
    Chai là mủ (nhựa) của cây chò, một loại cây lớn, mọc ở các vùng rừng núi. Ngày trước nhân dân ta dùng chai làm đèn để thắp sáng, gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã cục chai đã đông cứng thành bột, sàng dừng cho mịn, trộn thêm trấu, đổ xuống đất thành đốt rồi đốt cho khối chai này chảy dẻo ra, sau đó dùng đũa bếp và bàn lăn, xúc lên thành từng lọn hình trụ dài khoảng 2 tấc (20cm), lớn bằng cổ tay, lăn xong thả vào thay nước cho nguội và cứng đèn.
  11. Mỹ Thành
    Một làng nay thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  12. Lạc Chỉ
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  13. Ngọc Lâm
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên trước đây, nay được chia làm hai thôn là Ngọc Lâm 1 và Ngọc Lâm 2.
  14. Quần áo cổ y
    Trang phục của nam giới, áo khá dài, cổ đứng hơi cao, có lẽ cũng từ miền Bắc du nhập (Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh - Nguyễn Đổng Chi chủ biên).
  15. Mười hai bến nước
    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần.”

    Mười hai bến nước, một con thuyền
    Tình tự xa xôi, đố vẽ nên!

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  16. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  17. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  18. Có bản chép: cho vừa.
  19. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  20. Chân chữ bát
    Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
  21. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  22. Có bản chép: rốc đực. Rốc trong tiếng địa phương Nam Định, Thái Bình nghĩa là cua.
  23. Lụt
    (Dao, rựa) cùn. Còn có nghĩa rộng là là kém cỏi, bất tài.
  24. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  25. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  26. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  27. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  28. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  29. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  32. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  33. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  34. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè