Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhân trần
    Còn gọi hoắc hương núi, chè nội, một loại cây thân thảo, tràng hoa màu tím hay lam, lá thơm, vị cay, hơi đắng. Cây mọc hoang vùng đồi núi, bờ ruộng, bãi đất trống, có thể gieo trồng bằng hạt. Dân ta thường dùng nhân trần làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu.

    Nhân trần

    Nhân trần

  2. Ích mẫu
    Cây thân thảo, tràng hoa màu tím hồng, mọc hoang trên những vùng đất ẩm ở bãi sông. Dân ta dùng ích mẫu làm thuốc cho phụ nữ sau khi đẻ, hoặc chữa cao huyết áp, viêm thận và làm thuốc bổ huyết...

    Ích mẫu

    Ích mẫu

  3. Chợ Chì
    Ngôi chợ ở làng Chì, nay thuộc địa phận xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  4. Xảo
    Đồ đan bằng tre tương tự như giần nhưng có mắt thưa hơn nhiều, thường dùng để lọc lấy thóc và loại bỏ rơm rác. Động tác dùng xảo cũng gọi là xảo.
  5. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  6. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  7. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  8. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  9. Hóa
    Góa (từ cũ).
  10. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  11. Chợ Cầu
    Còn gọi là Bến Phân (trước là nơi hay nhập phân tằm cho vườn trầu Hóc Môn-Bà Điểm), tên một địa danh nằm ven rạch Tham Lương, nay chỉ còn là tên chợ và cây cầu thuộc xã Đông Hưng Thuận, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây nổi tiếng với nghề nhuộm.
  12. Làng Sông
    Cũng gọi là kẻ Sông, nay là một thôn thuộc địa phận xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là quê cha của vua Lê Đại Hành. Làng có tên như vậy vì trước đây nằm cạnh một con mương lớn.
  13. Cộ
    Xe tay, xe bò (từ cũ). Ngựa cộ là ngựa kéo xe.
  14. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  15. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  16. Ông Trang
    Tên một cửa biển nơi sông Cái Lớn đổ ra biển, nay thuộc địa phận thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Cồn cát ở đây cũng có tên là cồn Ông Trang, nơi hội tụ của nhiều loài thủy hải sản, đồng thời là nơi các đàn chim di trú dừng chân kiếm ăn mỗi khi bay về phương Nam. Hiện nay cồn Ông Trang là điểm du lịch hấp dẫn của Cà Mau.

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

  17. Viên An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Địa hình Viên An chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, nhiều rừng tràm, đướcsú vẹt.
  18. Khai Long
    Tên một bãi cát giồng uốn lượn dọc bờ biển thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một vùng đất trù phú, có nhiều loài thủy hải sản sinh sống như tôm, cua, các loại cá, nghêu, sò huyết, vọp, ốc len… Hiện nay Khai Long đang được khai thác thành một bãi biển du lịch.

    Phong cảnh Khai Long

    Phong cảnh Khai Long

  19. Cá đường
    Một loại cá đặc sản của tỉnh Cà Mau, ngoài ra còn được tìm thấy ở vịnh Bắc Bộ nước ta. Cá đường có màu vàng, có thể dài tới 1 mét 6, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng như lá lúa. Trước đây, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại huyện Ngọc Hiển diễn ra hội cá đường, người dân đánh bắt được rất nhiều cá. Ngày nay, cá đường ngày càng trở nên hiếm đi giảm do ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức. Thịt cá đường có thể làm khô mặn, nhưng phần giá trị nhất là bong bóng cá đường vì có thể được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong phẫu thuật.

    Đánh bắt cá đường

    Đánh bắt cá đường

  20. Ngày xưa vào ngày hội cá đường, vì số lượng cá đánh bắt được quá nhiều, người dân làm cá chỉ giữ lại bong bóng cá (có giá trị cao), còn xác cá thì bỏ đi.
  21. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  22. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  23. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  24. Bài ca dao này bắt nguồn từ việc "lên đồng." Để có cơ sở mà tin tưởng rằng hồn lên đồng đúng là hồn của người trong gia đình, gia chủ thường phái thử bằng nhiều câu hỏi riêng tư. Câu "hồn thác ban ngày hay ban đêm?" là một trong số những câu hỏi này. Vì "hồn" trong bài ca dao là lừa đảo, nên trả lời ấm ớ.
  25. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  26. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  27. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  28. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  29. Trầm
    Chìm (từ Hán Việt).
  30. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  31. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  32. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  33. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  34. Chòi
    Với lên cao.
  35. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Có bản chép: "Không ai chờ bạn".
  37. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ