Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Có bản chép: tóp tép.
  4. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  5. Già đòn non nhẽ
    Bị đánh thật đau thì nhụt chí, hết cãi lời lý lẽ.
  6. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  7. Tình Di
    Tên Nôm là kẻ De, một làng nay thuộc xã Quang Diệm (được gộp từ hai xã cũ là Sơn Quang và Sơn Diệm), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  8. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  9. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  10. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  11. Kẻ Go
    Tên cũ là Yên Tân, một làng nay thuộc xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  12. Bánh tày
    Một loại bánh ở các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, làm từ gạo nếp và gói lá chuối, tương tự như bánh tét ở miền Trung và miền Nam.
  13. Quán Lào
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1989, thị trấn Thiệu Yên được thành lập, là huyện lị của huyện Thiệu Yên. Năm 1996, huyện Yên Định tái lập từ huyện Thiệu Yên, thị trấn Thiệu Yên được đổi tên thành thị trấn Quán Lào.
  14. Gầy
    Gây ra (nghĩa tích cực), tạo dựng, vun vén để đạt được một thành quả nào đó.
  15. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  16. Hội Nõ Nường
    Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:

    1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

    2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa

    3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>

    Linh tinh tình phộc

    Linh tinh tình phộc

  17. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  18. Mực thước
    Nghĩa đen là dây mực và thước mà thợ mộc thường dùng để in đường thẳng. Nghĩa bóng là khuôn phép, chuẩn mực.
  19. Ngõ hầu
    Rồi mới có thể, sao cho đạt được (từ cũ).

    "Thôi thì ai cũng hết sức tự tô lục chuốt hồng, chiều chuộng nịnh hót đức lang quân, ngõ hầu được với luôn thì đã đủ là hân hạnh. Ngày thì họ là những tay quản gia đồn điền của ông chủ. Đêm đến họ là vợ..." (Giông tố - Vũ Trọng Phụng)

  20. Nhất chó, nhì bò, tam thơ, tứ lão
    Bốn cái sợ trên đường của người lái xe: chó, bò, trẻ con, người già.
  21. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  22. Vít
    Có thương tích; tì tích, chuyện xấu, đều hổ thẹn. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  23. Ngọc lành có vít
    Người tốt mấy cũng có tì vết, song không vì thế mà suy giảm giá trị.
  24. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.