Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bó đũa chọn cột cờ
    Tìm ra cái nổi trội hơn cả trong số những cái tầm thường, sàn sàn như nhau.
  2. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  5. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  6. Chim sa, cá lụy
    Theo mê tín, chim sa xuống và cá chết là những điềm báo xui xẻo.
  7. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  8. Tam tam như cửu
    Ba nhân ba là chín.
  9. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  10. Nhị nhị như tứ
    Hai nhân hai là bốn.
  11. "Bốn lần" nói lái lại thành "bấn l."
  12. Oằn
    Cong xuống, trĩu xuống vì sức nặng.
  13. Tam huyền
    Một loại đàn ba dây của Trung Quốc (tam huyền nghĩa là ba dây), có cần đàn dài, không ngăn phím. Thân đàn có hình chữ nhật được làm hơi tròn, phần trên bọc da rắn. Theo truyền thống, đàn tam huyền được chơi bằng một miếng gảy cứng và mỏng, làm bằng sừng thú, nhưng ngày ngay phần lớn người chơi đều sử dụng miếng gảy bằng chất dẻo hoặc gảy bằng móng tay.

    Đàn tam huyền

    Đàn tam huyền

  14. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  15. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  16. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  17. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  18. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  19. Đàn tranh
    Một loại đàn truyền thống của Việt Nam. Đàn tranh có thân bằng gỗ, dây đàn bằng kim loại (xem hình dưới). Trước kia, đàn tranh có 16 dây, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến thành đàn tranh 17 dây.
    Nghe nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở đây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

  20. Cầm
    Một nhạc cụ truyền thống của Trung Hoa, còn gọi là cổ cầm, có nguồn gốc từ rất xưa, ít nhất ba nghìn năm. Đàn cầm được chế tác từ gỗ ngô đồng, lấy tơ xe thành dây, ban đầu có năm dây, đến đầu đời nhà Chu (1046 TCN - 256 TCN) thêm hai dây thành bảy dây. Theo truyền thuyết, vua Phục Hi thời thượng cổ thấy chim phượng đậu trên cây ngô đồng, biết là gỗ quý, liền đốn cây đẽo thành đàn, dựa trên các nguyên lí vũ trụ mà thiết kế. Kĩ thuật chơi đàn cầm đặc biệt đa dạng, có khả năng biểu hiện nhiều sắc thái âm điệu phong phú.

    Trong văn hóa phương Đông, đàn cầm đứng đầu các loại nhạc cụ, tượng trưng cho đức hạnh của người quân tử. Chơi đàn cầm vừa được xem là một thú tiêu khiển tao nhã (cầm, kì, thi, họa), vừa được xem là phương tiện tu tâm dưỡng tính.

    Đàn cầm.

    Đàn cầm.

  21. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  22. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  23. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  25. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  26. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  28. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  29. Hội Gióng
    Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  30. Thánh Gióng
    Cũng gọi là Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử). Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Gióng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng bỗng nhiên cất tiếng xin vua đóng cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và nón sắt. Sau đó Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vươn vai trở thành một chàng trai cao lớn, lên ngựa đi đánh tan giặc, rồi bay về trời tại chân núi Sóc Sơn.

    Hiện nay tại làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ở nhiều làng quê Hà Nội cũng có ngày hội Gióng.

  31. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  32. Bể
    Biển (từ cũ).
  33. Chợ Gồm
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

    Chợ Gồm

    Chợ Gồm

  34. Phú Hội
    Tên một làng thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đây làng có nghề truyền thống là đan nong nia, nhưng hiện nay đã dần mai một.
  35. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Cảnh An
    Một làng nghề nay thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Làng có nghề truyền thống là đan võng tàu thơm - nguyên liệu là lá tàu thơm, đem ngâm nước từ 10 đến 15 ngày tùy trời mưa nắng, rồi đem lên cạo hết lớp nhớt để lấy sợi tơ của thơm đem phơi nắng cho thật khô rồi mới đem ra đan võng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Đan võng tàu thơm

    Đan võng tàu thơm

  37. Gió chướng
    Một loại gió ở miền Nam, thổi ngược hướng sông Tiền, sông Hậu nên gọi là gió chướng. Gió thường thổi vào buổi chiều, trong khoảng thời gian bắt đầu từ cuối tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 4 tới trung tuần tháng 5 năm sau.