Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  2. Ruốc
    Một loại tôm nhỏ (chỉ dài khoán 10-40mm), thường được đánh bắt dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm hoặc mắm chua) hay phơi khô thành ruốc khô, có thể xay vụn thành bột ruốc.

    Ruốc khô

    Ruốc khô

  3. Văn kì thanh bất kiến kì hình
    Chỉ mới nghe tiếng mà chưa gặp mặt (chữ Hán).
  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Mía được trồng bằng cách chặt lấy một lóng mía và trồng thẳng xuống đất, gợi liên tưởng đến hình ảnh "chặt đầu nối nghiệp tổ tông". "Huyết" ở đây ý nói là nước trong thân cây mía, thường được ép ra để uống hoặc sản xuất đường.

    Cây mía

    Cây mía

  7. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  8. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  9. Khẳm
    Đầy đủ (từ cũ).
  10. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  11. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  12. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  13. Đồ
    Nấu bằng cấp hấp (cơm hoặc xôi) trong chõ cho chín bằng sức nóng của hơi nước.

    Cơm đồ

    Cơm đồ. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

  14. Nhà sàn
    Nhà có sàn để ở, làm ở lưng chừng cột, cách mặt đất (hoặc mặt nước) một khoảng, thường thấy ở miền rừng núi hay trên các mặt hồ rộng.

    Nhà sàn

    Nhà sàn của người Ê-đê

  15. Lịch Đoi
    Cũng gọi là lịch tre hoặc lịch đá, một loại lịch cổ của người Mường. Lịch được đặt tên theo sao Đoi, cách người Mường gọi sao Thần Nông. Lịch Đoi gồm 12 thanh tre, mỗi thanh chỉ một tháng trong năm. Trên mỗi thanh khắc 30 vạch, mỗi vạch chỉ một ngày. So với dương lịch, lịch có ngày lùi 1, tháng tiến 3 (ví dụ ngày 9/10/2017 dương lịch trùng với ngày 8/1/2018) nên thường gọi là "ngày lui tháng tới." Lịch Đoi ngày nay hầu như chỉ được dùng trong các nghi thức tính ngưỡng.

    Lịch Đoi

    Lịch Đoi

  16. Tày
    Bằng (từ cổ).
  17. Mõ trâu
    Một loại đeo cho trâu bò ở các vùng rừng núi để dễ tìm kiếm. Mõ trâu thường là một khúc gỗ hoặc ống tre bịt hai đầu, trong treo vài khúc gỗ hoặc tre nhỏ, khi lắc qua lại những khúc này va vào thành mõ gây ra tiếng động.

    Trâu đeo mõ

    Trâu đeo mõ

  18. Câu này mô tả cuộc sống và văn hóa của dân tộc Mường.
  19. Bận
    Mặc (quần áo).
  20. Bâu
    Cổ áo.
  21. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  22. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  23. Tò he
    Một loại đồ chơi dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tò he được làm bằng bột, ban đầu dùng để cúng lễ, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá (nên cũng gọi là con giống hay con bánh)... hoặc nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... Sau này, tò he được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha. Cái tên tò he có lẽ bắt nguồn từ tiếng thổi kèn. Màu sắc của tò he có nguồn gốc từ tự nhiên: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng...

    Tò he

    Tò he

  24. Báng
    (Trâu bò) húc (phương ngữ).