Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  2. Rộc
    Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
  3. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  4. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  5. Lá bàng tai trâu, sầu đâu chân chó
    Chỉ quãng thời gian mùa xuân từ tháng hai trở đi. Theo Vũ Bằng: Trên các cành bàng, lá non hé mở và cuốn lại, chưa bung ra hết, y như thể tai trâu, còn cây sầu đâu thì từ khoảng này cũng trổ lá non nhưng nhúm lại với nhau thành một hình tròn như vết chân con chó để lại trên mặt đất, sau một đêm mưa tuyết (Thương nhớ mười hai).
  6. Lập nghiêm
    Làm ra vẻ nghiêm nghị, đứng đắn.
  7. Giếng khơi
    Giếng sâu.
  8. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  9. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  10. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  11. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  12. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  13. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  14. Sáo
    Nhạc cụ thổi hơi, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở ta sáo thường làm bằng ống trúc, được thổi trong những lúc hội hè.

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

  15. Tiêu
    Loại nhạc cụ hơi khá thông dụng ở các nước Đông Á. Tiêu có dạng ống trụ tròn như sáo trúc, nhưng khi sử dụng lại để theo chiều dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.

    Thổi tiêu

    Thổi tiêu

  16. Bún riêu
    Một món ăn gồm bún (bún rối hoặc bún lá) và riêu cua. Riêu cua được nấu từ gạch cua, thân cua giã, lọc với quả dọc, cà chua, mỡ nước, mẻ ngấu, nước mắm, muối, hành hoa. Bún riêu thường thêm chút mắm tôm để tăng thêm vị đậm đà, thường ăn kèm với rau ghém (rau diếp thái nhỏ hay cọng rau muống chẻ).

    Bún riêu là một món ăn rất được ưa thích, có mặt hầu khắp các hàng quán ven đường.

    Bún riêu

    Bún riêu

  17. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  18. Đãi
    Nhúng các chất trộn lẫn với nhau xuống nước, gạn lấy chất nặng, còn chất nhẹ cho trôi đi (đãi cát, đãi vàng...).

    Đãi cát tìm vàng

    Đãi cát tìm vàng

  19. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  20. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  21. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Hột.
  22. Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân
    Tạm dịch: Nghèo giữa chợ đông ai thèm hỏi, giàu tại rừng sâu lắm kẻ thăm. Tùy theo dị bản mà trong câu này chữ "vấn" có thể thành chữ "đáo," "thâm sơn" thành "lâm sơn," "hữu viễn thân" thành "hữu khách tầm" vân vân.
  23. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  25. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  26. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Ruột bầu, cách phát âm của một số vùng Bắc Trung Bộ.
  28. Giang
    Cũng gọi là lá giang, một loại cây dây leo cho lá có vị chua (nên còn có tên là cây giang chua). Lá giang thường dùng để nấu canh hoặc lẩu, tạo thành những món ăn có vị chua rất đặc trưng.

    Lá giang

    Lá giang

    Canh gà lá giang

    Canh gà lá giang

  29. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  30. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  31. Bầu
    Tức ống giác, là dụng cụ hình ống, bằng tre, trúc hay thủy tinh, sành sứ.
  32. Có bản chép: là hàng Nhật Bổn.
  33. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  34. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  35. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  36. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  37. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  38. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  39. Sở cầu như ý
    Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.