Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  2. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa

  3. Nhà rường
    Một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ 17 dưới triều đại phong kiến. Gọi là nhà rường bởi vì nhà có nhiều rường cột, rường kèo, rui mè. Cũng có tên là nhà xuyên (xiên) trính hoặc nhà đâm trính (trính là những thanh gỗ trong kết cấu mái nhà).

    Nhà rường

    Nhà rường

  4. Ngày xưa nhà thường lợp bằng tranh, rơm rạ, chỉ có những nhà khá giả mới được lợp ngói. "Nhà ngói ba tòa" tức là nhà rất giàu.
  5. Rức lác
    Nói chuyện ồn ào, rầm rĩ.

    Quận Châu mới sợ, mở ngay cửa ra. Các quân chen vai nhau mà vào. Bấy giờ Quận Huy đã cỡi voi ra giữa sân, cầm gươm trỏ ra nói rằng:
    - Ba quân bay không được rức lác, phải đâu về đấy, không thì tao chém đầu chúng bay!
    Các quân vẫn sợ thanh thuế Quận Huy, coi thấy cưỡi voi dữ dội, đều ngồi xuống cả, không dám nói gì.

    (Hoàng Lê nhất thống chí)

  6. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  7. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  8. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  11. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  12. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  13. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  14. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  15. Thiên Thai
    Tên một ngọn núi trong truyện Lưu Thần - Nguyễn Triệu đời nhà Hán (Trung Quốc). Nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch), hai người vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc, gặp tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Khi về đến quê hương thì Lưu - Nguyễn thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.

    Thiên Thai được dùng để chỉ cảnh tiên. Việt Nam ta cũng có một câu chuyện tương tự là Từ Thức gặp tiên.

    Nghe bản nhạc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao.

  16. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  17. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  18. Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước
    Mô tả hài hước tình trạng mất nước thường xuyên ở thành phố vào thời bao cấp: nhà nhà phải đợi đến khuya để thay phiên nhau hứng nước.
  19. Cân phân
    Bằng nhau, đồng đều.
  20. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  21. Khanh tướng
    Khanh và tướng, hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  22. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Hoàng thiên
    Trời vàng (từ Hán Việt). Gọi vậy vì mặt trời có màu vàng.

    Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.
    (Tam Quốc diễn nghĩa, Phan Kế Bính dịch)

  24. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  25. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  26. Nỏ thiết mô
    Không ham đâu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  27. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  28. Giẻ cùi
    Một loài chim thuộc họ Quạ, sống ở những khu vực rừng thưa hoặc cây bụi, có bộ lông màu sắc sặc sỡ. Giẻ cùi rất tạp ăn. Ngoài một số loại hạt, quả, chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng.

    Dẻ cùi xanh mỏ đỏ

    Giẻ cùi xanh mỏ đỏ

  29. Giẻ cùi tốt mã
    Ám chỉ những kẻ có vẻ bề ngoài bảnh bao, sang trọng, nhưng bên trong ti tiện, rỗng tuếch, bất tài, vô dụng.
  30. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  31. Đôi chàng mạng
    Hai cái móc bằng bạc để móc mạng che mặt vào khăn bịt đầu. Ở nước ta ngày xưa, chỉ có những phụ nữ quyền quý mới có tục che mặt khi ra đường. Mạng che mặt có thể là một tấm lưới kết bằng đá quý, hay bằng vàng, bạc.
  32. Vô thủ, vô vĩ, vô nhĩ, vô tâm
    Không đầu, không đuôi, không tai, không tim.
  33. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  34. Tày
    Bằng (từ cổ).
  35. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  36. Lan dây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lan dây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)