Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  2. Nhất phẩm hồng
    Màu đỏ tươi của hoa trạng nguyên, còn gọi là hoa nhất phẩm hồng.

    Hoa trạng nguyên

    Hoa trạng nguyên

  3. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  4. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  5. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  6. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  7. Bộ xương cách trí
    Thân hình gầy gò như bộ xương. Thời Pháp thuộc, trong chương trình tiểu học có môn Cách Trí (viết tắt của cách vật trí tri), dạy những kiến thức thông thường về con người và sự vật. Cụm từ "bộ xương cách trí" có lẽ có từ những hình vẽ trong sách học Cách Trí.
  8. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  10. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  11. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  12. Long Xuyên
    Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.

    Long Xuyên

    Long Xuyên

  13. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  14. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  15. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  16. Sao đang
    Sao nỡ đành.
  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  19. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  20. Bõ công
    Đáng công.
  21. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  22. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  23. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  24. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  25. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  26. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  27. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  29. Chúa
    Chủ, vua.
  30. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  31. Sơn son thếp vàng
    Sơn màu đỏ và dát vàng mỏng lên với mục đích trang trí.

    Sơn son thếp vàng

    Sơn son thếp vàng

  32. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  33. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  34. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  35. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  36. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  37. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  38. Thời vận bất tề
    Vận số không được bình thường, suôn sẻ.

    Ta hô! Thời vận bất tề, mệnh đồ đa suyễn
    (Than ôi! Thời vận chẳng bình thường, đường đời nhiều ngang trái)
    (Đằng Vương các tự - Vương Bột).