Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận
    Một cách nói bỡn cợt có nguồn gốc từ câu "Nam nhi chi chí, nữ nhi chi hạnh."
  2. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  4. Ngân Sơn
    Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
  5. Mằng Lăng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam.

    Nhà thờ Mằng Lăng

    Nhà thờ Mằng Lăng

  6. Tam Giang
    Tên một con sông ngắn (chỉ độ 10km) chảy từ Hòn Kề ra biển ở Vũng Chào thuộc vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
  7. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  8. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  9. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  10. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  11. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  12. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  15. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  16. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  17. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  18. Dầu
    Một loại cây thân gỗ cao và thẳng. Cây dầu thường sống ở các vùng rừng nhiệt đới, là loại cây gỗ có giá trị cao. Ngoài ra, từ cây dầu có thể làm tinh dầu thơm, nhựa mủ hay gỗ dán.

    Cây dầu đôi ở Diên Khánh - Khánh Hòa

    Cây dầu đôi ở Diên Khánh - Khánh Hòa

  19. Có bản chép: ngọn bầu.
  20. Diệc
    Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...

    Chim diệc đang bắt cá

    Chim diệc đang bắt cá

  21. Thép
    Chực, nhờ của người khác. Bú thép là bú nhờ; ăn thép là ăn chực.
  22. Kiến vàng
    Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.

    Kiến vàng

    Kiến vàng

  23. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Kiến hôi
    Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.

    Kiến hôi

  25. Có bản chép: Bò ngang quai nón đá rơi.
  26. Lại Đà
    Một làng nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xưa làng có tên là trang Cối Giang, thuộc tổng Cối Giang (sau đổi thành Hội Phụ vì kị húy tên chúa Trịnh Cối) nên tục cũng gọi là làng Cối (Cói). Làng xưa có nghề làm bỏng gạo và trồng rau cần, nên lại cũng được gọi là Cói Bỏng hay Cói Cần.
  27. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  28. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  29. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  30. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  31. Có bản chép: Chiều chiều vịt lội cò bay.
  32. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  33. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  34. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  35. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  36. Bốn câu trên lần lượt tả bốn chân, hai sừng, đuôi và hai tai trâu.