Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sơn ca
    Cũng gọi là chiền chiện, chà chiện ở Quảng Nam hoặc cà lơi ở Huế, một giống chim thuộc họ chim sẻ, có tiếng hót lảnh lót và kiểu bay liệng lạ mắt. Loài này thường làm tổ ở mặt đất hoặc nơi không cao lắm so với mặt đất. Thức ăn chính là côn trùng.

    Chim sơn ca

    Chim sơn ca

  2. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  3. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  4. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  5. Nuộc
    Vòng dây buộc.
  6. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  7. Họa vô đơn chí
    Tai họa không đến riêng lẻ (mà đến dồn dập cùng lúc).
  8. Chựa
    Chữa (cách phát âm của người Huế).
  9. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  10. Mía đường là một đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa một số vùng ở Quảng Ngãi có lệ phạt những người bẻ trộm mía, nên mới có hoạt cảnh khôi hài này.
  11. Ngan
    Còn gọi là vịt Xiêm, ngan dé, ngan cỏ, một giống gia cầm thuộc họ vịt nhưng lớn hơn vịt, đầu có mào thịt đỏ. Tương truyền đây là giống ngan ngày xưa Xiêm La (tên gọi cũ của Thái Lan) mang triều cống nước ta. Thịt ngan được chế biến thành nhiều món ăn ngon như bún ngan, ngan giả cầy, ngan om sấu, ngan nấu măng, v.v.

    Vịt xiêm mái ấp trứng

    Vịt xiêm mái giỏi ấp trứng và giữ con

  12. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  13. Sông Vịnh
    Cũng gọi là sông Cửa Khẩu, tên một đoạn sông nhỏ ở Hà Tĩnh do sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành. Sông dài khoảng 10 km, nay thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.
  14. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  17. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  18. Võ Duy Dương
    (1827-1866) Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Ông giữ chức Thiên hộ, nên cũng được gọi là Thiên Hộ Dương. Ông sinh ra ở Bình Định, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, giỏi võ nghệ. Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm Gia Định rồi đánh chiếm thành Mỹ Tho (tháng 4/1861). Từ đó đến năm 1866, ông lần lượt liên kết với các thủ lĩnh nghĩa quân khác như Nguyễn Hữu Huân, Trương Định, Đốc binh Kiều, Trương Quyền... đánh Pháp. Tháng 10/1866, ông dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để cầu viện sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng, nhưng chẳng may đến cửa biển Cần Giờ thì bị cướp biển sát hại. Tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) nay vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Võ Duy Dương

    Tượng Võ Duy Dương

  19. Đùm đậu
    Đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau (giữa những người nghèo khổ).
  20. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  21. Đục đá
    Khai thác đá núi để sản xuất các dụng cụ dân sinh như cầu cống, cối giã gạo, cối xay bột… Đây là nghề phổ biến ở một số làng quê gần các núi đá (lèn) ở Nghệ An - Hà Tĩnh.