Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  2. Đá bóng
    (Cá lia thia) đá với cái bóng của mình hiện ra trong tấm kính đặt đối diện họăc đá với bóng con lia thia khác đựng trong chai lọ sát bên. Lia thia được trong những keo, lọ, chai để san sát nhau, giữa có những tấm giấy bìa ngăn cách.Thỉnh thoảng, người ta lại rút tấm giấy bìa cho hai con lia thia đá bóng với nhau.
  3. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  4. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  5. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  6. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  7. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  8. Bâu
    Cổ áo.
  9. Bạn ngọc
    Bạn quý như ngọc, thường chỉ người thương hay bạn thân.
  10. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  11. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  12. Chú ủi
    Con heo, gọi một cách thân mật.
  13. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  14. Kháp
    Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
  15. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  16. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  17. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Bài này được trẻ em hát khi xua khói sang chỗ khác cho đỡ ngột.
  21. Bình dân học vụ
    Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

    Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.

    Bình dân học vụ

    Bình dân học vụ

  22. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

    Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

  23. Đề Gi
    Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.

    Cảng cá Đề Gi

    Cảng cá Đề Gi

  24. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  25. Anh chài
    Người làm nghề chài lưới.
  26. Anh buôn
    Người làm nghề buôn bán.
  27. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  28. Ông Núi
    Tương truyền năm Nhâm Ngọ 1702, có vị thiền sư Tánh Ban (tục danh Lê Ban) lên đỉnh Chóp Vung thuộc dãy Núi Bà lập chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc nên nhân dân gọi là Mộc Y Sơn Ông, nghĩa là "ông Núi mặc áo vỏ cây." Sau chúa Nguyễn nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quý Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi. Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24-25 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định.

    Chùa Ông Núi

    Chùa Ông Núi

  29. Sơn thủy
    Núi sông (từ Hán Việt).
  30. Tà huy
    Ánh nắng (暉 huy) nghiêng (斜 tà). Chỉ ánh nắng buổi chiều, đồng thời hiểu rộng ra là buổi chiều.

    Em về rũ áo mù sa,
    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)

  31. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  32. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm