Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chuyên tu
    Hình thức đào tạo nhằm đáp ứng một nhu cầu cán bộ cấp bách, dành riêng cho những cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành.
  2. Tại chức
    Loại hình đào tạo dành cho những người vừa học vừa làm để hoàn thiện kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm.
  3. Đát
    Công đoạn sau khi đan (rổ, mê, thúng…), dùng các nan nhỏ hơn đan lồng vào bốn phía mép tấm mê để cố định các nan đã đan.
  4. Lận
    Một công đoạn trong quá trình đan rổ, thúng, làm cho tấm đan hình phẳng trở thành hình dáng của sản phẩm.
  5. Nứt
    Một công đoạn khi đan rổ rá: Dùng dây mây để buộc vành trong, vành ngoài và tấm mê lại với nhau.
  6. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  7. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  8. Chợ Lớn
    Tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tẻ trải dài trên quận 5 và quận 6 ở thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.

    Chợ Lớn trước 1975

    Chợ Lớn trước 1975

  9. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  10. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  11. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  12. Lầm than
    Lầm có nghĩa là bùn nhão ở đáy ao, hồ... Lầm than vì vậy có nghĩa gốc là những thứ bẩn thỉu nói chung, từ đó có nghĩa rộng (phổ biến) hiện nay là sự cực khổ, vất vả của người lao động, giai cấp bị trị - tương đương với chữ đồ thán trong tiếng Hán.
  13. Tân khổ
    Cay đắng, khổ sở (từ Hán Việt, thường dùng trong văn chương cổ).
  14. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  15. Dưa vàng
    Một loại dưa cho quả lớn (có thể nặng đến 5kg), vỏ cứng màu xanh có nhiều gân trắng đan xen nhau như lưới (nên cũng gọi là dưa lưới ở miền Nam), ruột giòn, khi chín có màu vàng hoặc cam, ăn ngọt thanh.

    Quả dưa vàng

    Quả dưa vàng

  16. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  17. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  18. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  19. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  20. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  21. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  22. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Câu này cùng với các dị bản đều là cách nhận định của người xưa: những người mắt lé, lùn, hô, tóc quăn (hoặc răng sún, mắt lồi...) thường là gian xảo, bất chính, không nên giao du. Tất nhiên đây là quan niệm lỗi thời.
  24. Lộ
    (Mắt) lồi.
  25. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  27. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  28. Tiền tài như phấn thổ
    "Phấn thổ" có lẽ là cách nói chệch của "phẩn thổ" (phân và đất), chỉ những vật dơ bẩn đáng khinh.
  29. Nghĩa trọng tợ thiên kim
    Đạo nghĩa nặng như ngàn vàng.
  30. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  31. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  32. Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
  33. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  34. Hớn Minh
    Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:

    Đi vừa tới huyện Loan-minh,
    Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
    Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
    Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
    Tôi bèn nổi giận một khi,
    Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
    Mình làm nỡ để ai lo,
    Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.

    Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.

  35. Tiểu đồng
    Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.

    Tiểu đồng bị trói khôn về,
    Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
    "Phận mình đã mắc tai nàn,
    "Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
    "Xiết bao những nỗi dật dờ,
    "Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
    "Vân Tiên hồn có linh rày,
    "Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
    Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
    Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
    Sơn quân ghé lại một bên,
    Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.

  36. Vương Tử Trực
    Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.

    Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
    Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
    Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
    Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
    Hổ han vậy cũng người ta,
    So loài cầm thú vậy mà khác chi?
    Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
    Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
    Tay lau nước mắt trở ra,
    Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.

  37. Thẳng ruột ngựa
    Tính tình thẳng thắn, cương trực, nói không kiêng nể. Về nguồn gốc của phương ngữ này, PGS TS Phạm Văn Tình cho rằng: Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 25-35cm. Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Dư trong Ngựa và Thẳng ruột ngựa lại có một giả thuyết khác, theo đó "ngựa" là một cách chỉ gái điếm, và "Thẳng ruột ngựa" thật ra là một cách nói trào phúng, tương tự như câu "Thật thà như lái trâu."
  38. Có bản chép: Dế ngậm sầu.
  39. Giai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương
    Hai thành phần côn đồ, đáo để ở Hà Nội thời Nguyễn. Nguyên Ngõ Trạm xưa là nơi đặt nhà trạm nhận công văn chuyển đi các tỉnh. Nhà trạm có một viên thừa dịch trông coi, dưới quyền là những lính trạm. Lính này phần lớn là những thành phần táo tợn, hung bạo, khi rỗi việc thường tụ tập bài bạc, hút xách, dần dà thành một hạng người được đặt tên là "trai Ngõ Trạm." Tạm Thương trước là một kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân. Ở đó có hạng phụ nữ chuyên nhận việc xúc thóc, đổ thóc, hay bày trò lường đong tráo đấu mưu lợi riêng. Do đó, đối địch được với "trai Ngõ Trạm" có lẽ chỉ có "gái Tạm Thương" vậy.
  40. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).