Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: dòm.
  2. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  3. Xòng xành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xòng xành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  6. Trà Quế
    Tên một ngôi làng nằm cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau, nên còn gọi là làng rau Trà Quế.

    Tưới rau ở làng rau Trà Quế

    Một vườn rau Trà Quế

  7. Trà Quế có nghề trồng rau, nên phải gánh nước tưới rau.
  8. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  9. Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Nam Chân (Nam Định) có các làng Cổ Tung, Cổ Nông, Cổ Gia, Cổ Giả, Cổ Lũng, Cổ Chử, Cổ Lễ, tính người thật thà, ăn ở trung hậu. Ở Giao Thủy các làng Hoành Đông, Hoành Nha, Hoành Lộ, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoàng Tứ đều là nơi đất tốt, cấy cày có nhiều gạo ngon, nông dân no đủ.
  10. Dành dành
    Còn tên gọi khác là chi tử, huỳnh can, là một loại cây mọc hoang ở rừng, được các nhà nghiên cứu thảo dược phát hiện đưa về trồng trong vườn thuốc. Cây dành dành là một vị thuốc quý chuyên trị các bệnh về gan, mật, đặc biệt là các chứng đau mắt.

    Lá và hoa dành dành

    Lá và hoa dành dành

  11. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  12. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  13. Hèo
    Một loại cây thuộc họ cau, thân thẳng có nhiều đốt, thường dùng làm gậy. Gậy làm bằng thân cây hèo cũng được gọi là hèo.
  14. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  15. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  16. Sông Tương
    Một con sông thường gặp trong văn chương cổ, lấy từ một đoạn trong bài thơ Trường tương tư của Lương Ý Nương đời Hậu Chu, Trung Quốc:

    Quân tại Tương Giang đầu
    Thiếp tại Tương Giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Đồng ẩm Tương Giang thủy

    Dịch:

    Chàng ở đầu sông Tương
    Thiếp ở cuối sông Tương
    Nhớ nhau chẳng thấy mặt
    Cùng uống nước sông Tương

    Nghe bài hát Ai về sông Tương.

  17. Vũng Dông
    Một vũng biển nhỏ thuộc Sông Cầu, Phú Yên. Tại đây trước kia có nhiều con dông, cư dân thường làm bẫy bắt để làm thức ăn cho gia đình và bán lại cho khách.

    Con dông

    Con dông

  18. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  19. Vũng Chào
    Tên một vũng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì mỗi lần ngư dân đánh bắt được các loại cá to (cá bò, cá ngừ...), các ghe thuyền lái buôn vào mua cá, dân phải tiếp đón, chào mời niềm nở với họ.
  20. Vũng La
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
  21. Những địa danh trong bài ca dao này là tên các vũng biển nhỏ thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Từ Đào Nại, một dãy núi chạy xuống phía đông bao bọc vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do ảnh hưởng, của dãy núi nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại trũng lõm vào tạo thành năm cái vũng, tên từng vũng đều có ý nghĩa riêng biệt.
  22. Vạn thọ vô cương
    Thọ vạn năm chẳng cùng. Đây là lời chúc thọ.
  23. Quả trứng gà có vỏ cứng bao ngoài nên gọi là trong nạc ngoài xương. Sau khi ấp một thời gian (vạn thọ vô cương) thì nở ra con gà (trong xương ngoài nạc).
  24. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  25. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  26. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  27. Đất rồng
    Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.

    "... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
    (Chiếu dời đô)

  28. Vượn
    Tên gọi chung chỉ các loài giống khỉ, có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao mà không biết bay. Mỗi loài vượn có tiếng hú riêng. Tùy từng loài và phụ thuộc vào giới tính mà bộ lông của vượn có thể có màu từ nâu sẫm tới nâu nhạt, có khi đốm loang màu đen hay trắng. Vượn toàn trắng rất hiếm. Vượn sinh sống ở Đông Nam Á chủ yếu thuộc chi vượn lùn và vượn mào.

    Vượn tay trắng

    Vượn tay trắng thuộc chi vượn lùn

  29. Dĩ lỡ
    Đã lỡ, đã trót làm việc gì (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Thượng lộ
    Lên đường (chữ Hán). Thường đi chung với bình an thành thượng lộ bình an.
  31. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  32. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  33. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  34. Da mồi tóc sương
    Da lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi, tóc bạc như sương tuyết; đây là hình ảnh để tả người già (cũng có cách nói da mồi tóc bạc, tóc bạc da mồi).

    Da đồi mồi

    Da đồi mồi

  35. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  36. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.