Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  2. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  3. Giang
    Cũng gọi là lá giang, một loại cây dây leo cho lá có vị chua (nên còn có tên là cây giang chua). Lá giang thường dùng để nấu canh hoặc lẩu, tạo thành những món ăn có vị chua rất đặc trưng.

    Lá giang

    Lá giang

    Canh gà lá giang

    Canh gà lá giang

  4. Hèo
    Một loại cây thuộc họ cau, thân thẳng có nhiều đốt, thường dùng làm gậy. Gậy làm bằng thân cây hèo cũng được gọi là hèo.
  5. Cảng Hải Phòng
    Được xây dựng từ năm 1874, một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước (sau cảng Sài Gòn), là cửa ngõ quốc tế nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Khu cảng chính trên sông Cấm còn gọi là bến Hoàng Diệu, trước gọi là bến Sáu Kho.

    Bến Sáu Kho ngày trước

    Bến Sáu Kho ngày trước

  6. Tức Hồng Kông (Hương Cảng).
  7. Đồ Bàn
    Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Nhất vương nhị đế
    Một cách gọi ba anh em nhà Tây Sơn, gồm Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc và Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ.
  10. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  11. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  12. Tháp Nhạn
    Tên dân gian còn gọi là tháp Dinh hoặc Dinh Ông, một tòa tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 11-12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, hiện đã được trùng tu lại.

    Tháp Nhạn

    Tháp Nhạn

  13. Sông Ba
    Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
  14. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  15. Phường Lụa
    Địa danh trước thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phường Lụa nổi tiếng bánh tráng và sắn.

    Sắn Phường Lụa

    Sắn Phường Lụa

  16. La Hai
    Một địa danh nay là thị trấn trung tâm huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 45 km. Thị trấn La Hai nằm bên bờ sông Cái, cảnh vật rất nên thơ, lãng mạn.

    Nghe bài hát La Hai tháng Tư.

  17. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Một người bỏ đi nhưng lại có nhiều người vào thay thế.
  20. Có bản chép: chinh binh.
  21. Kỳ Đồng
    Tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 8 tuổi đã đỗ loại ưu kì thi hương (Kỳ Đồng là tên do vua Tự Đức sắc phong, nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài"). Năm 1887, ông được Pháp cho đi du học tại Algérie, và quen thân với cựu hoàng Hàm Nghi đang bị đày ở đây. Sau ông từ chối lời mời làm quan của Pháp mà chỉ xin đất để mở mang việc làm ruộng ở Yên Thế vào năm 1897. Sợ ông liên lạc với Đề Thám, Pháp đã đày ông sang đảo Marquises, Tahiti. Ông mất ở Tahiti năm 1929.

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức pháp ở Tahiti

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức Pháp ở Tahiti

  22. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  23. Trần Hữu Giảng
    Một nhà yêu nước hoạt động trong nhóm văn thân ở thôn Quần Anh (nên dân gian cũng gọi là bá hộ Quần Anh), nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1897, ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.
  24. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  25. Đầu thai
    Một khái niệm trong được tìm thấy trong các triết lý tôn giáo lớn của Ấn Độ, bao gồm Yoga, Phật giáo, đạo Jain và một số tôn giáo khác. Đó là niềm tin về việc con người có nhiều kiếp sống. Sau khi chết, mỗi người tùy theo các điều kiện riêng của mình sẽ tái sinh trong một kiếp mới, mang một thân phận mới. Thân phận này có thể là người, cũng có thể là những sinh linh khác như con vật hoặc cái dạng tồn tại khác.
  26. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  27. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  28. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  29. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  30. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  31. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  32. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  33. Ở giá
    Ở góa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Cốm hai lu
    Một kiểu bán bánh cốm đặc trưng của các o ở Huế ngày trước: chứa cốm trong hai cái lu lớn gánh đi bán.
  35. An Thuận
    Một làng nay thuộc địa phận Hương Toàn, Hương Trà, Huế. Làng có nghề truyền thống là làm cốm dẹp.