Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Đường cái quan
    Cũng gọi là đường thiên lí, quan báo, quan lộ, tuyến đường bộ quan trọng bậc nhất nước ta, bắt đầu từ địa đầu biên giới phía bắc ở Lạng Sơn cho tới cực nam Tổ quốc ở Cà Mau. Đường cái quan được cho là xây dựng từ thời nhà Lý, theo dòng Nam tiến của dân tộc mà kéo dài dần xuống phương nam. Đường được tu bổ và hoàn thiện dưới triều Nguyễn rồi mở rộng thêm trong thời Pháp thuộc.

    Nghe bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Đoạn đường cái quan ở Quảng Nam hồi đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine)

    Đoạn đường cái quan đi qua Quảng Nam đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine).

  4. Chận
    Chặn lại (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Đông Ngàn
    Một địa danh cổ, tương ứng với diện tích thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và một phần các huyện Đông Anh, Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày nay.
  6. Mía đường là một đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa một số vùng ở Quảng Ngãi có lệ phạt những người bẻ trộm mía, nên mới có hoạt cảnh khôi hài này.
  7. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  8. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  9. Đồng Bay
    Một cánh đồng ở xã Đồng Ích (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
  10. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  11. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Người làng Bàn Giản (Lập Thạch) ở về phía tây Tam Đảo thấy mưa Tam Đảo cứ ung dung đi cày vì không mưa tới; nhưng thấy cơn mưa đồng Bay (xã Đồng Ích) phía tây nam Bàn Giản thì sẽ mưa ngay.
  12. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.

  13. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  14. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  15. Xoi
    Đào, xới, làm cho thông, cho thoáng.
  16. Đạo ngãi: đạo nghĩa. Ở đây có lẽ chỉ người tình.
  17. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  18. Hải Lăng
    Một huyện của tỉnh Quảng Trị. Tại đây có thánh địa La Vang, được xem là đất thánh của người Công giáo ở nước ta.
  19. Cháo vạt giường
    Loại cháo đặc sản của tỉnh Quảng Trị, nấu bằng sợi bột gạo thái thành thẻ nhỏ như vạt giường (vì vậy thành tên) và cá tràu. Gọi là cháo nhưng món ăn này không sền sệt mà lõng bõng sợi vạt giường và nước dùng. Cháo có vị ngọt thơm của cá, bùi ngậy của hành phi xen lẫn vị ngọt của bột, cay của ớt.

    Cháo vạt giường

    Cháo vạt giường

  20. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  21. Xuân Trường
    Địa danh nay thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  22. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  23. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).