Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  2. Ngũ phụng tề phi
    Năm con chim phượng cùng bay, một danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở nước ta, danh hiệu này thường dùng để chỉ 5 thí sinh tỉnh Quảng Nam cùng đỗ khoa thi Mậu Tuất (1898) đời Thành Thái: Tiến sĩ Phạm Liệu (1872-1936, quê xã Điện Trang, huyện Điện Bàn), tiến sĩ Phan Quang (1875-1939, quê xã Quế Châu, huyện Quế Sơn), tiến sĩ Phạm Tuấn (1852-?, quê xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), phó bảng Ngô Chuẩn, tức Ngô Lý (1873-?, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn), phó bảng Dương Hiền Tiến (1866-?, quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn).
  3. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  4. Lê Thái Tông
    Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê (ở ngôi từ năm 1433 đến 1442). Ông sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Thái Tông kế vị khi mới 11 tuổi nhưng đã tỏ ra là vị vua anh minh. Ông trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt và giáng chức những quyền thần như Lê Sát, Lê Ngân. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
  5. Đánh đồng thiếp
    Thuật phù phép xuất hồn ra khỏi xác để xuống âm phủ tìm linh hồn người thân đã chết, theo tín ngưỡng dân gian. Người hành nghề đánh đồng thiếp gọi là thầy thiếp.
  6. Ở đợ
    Làm công trong nhà người khác để trừ nợ (phương ngữ Nam Bộ). "Đợ" có nghĩa là thế vật hoặc người để trừ nợ.
  7. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  8. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  9. Đền A Sào
    Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên thật Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương), thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền còn được gọi là A Sào linh miếu, Đệ nhị sinh từ, hay đền Gạo (do làng A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo). Đền nằm trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo.

    Địa danh A Sào gắn liền với vương triều Trần và chiến tích ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285, và 1288. Hàng năm, dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo.

     

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

  10. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  11. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  12. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  13. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  15. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  16. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  17. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  18. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  19. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  20. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  21. Bảo phướn
    Một loại phướn dùng trong các nghi lễ tôn giáo, chủ yếu của Phật Giáo, nhưng cũng được nhiều tôn giáo khác sử dụng.

    Bảo phướn

    Bảo phướn

  22. Có bản chép: "bóng phướn".
  23. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  24. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  25. Một loại vải dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc may tang phục.
  26. Cậy
    Cũng gọi là cây thị sen hoặc cây mận chà là, loại cây gỗ nhỏ thường gặp ở miền Bắc, thuộc họ thị, vỏ màu hơi đen, nhánh non có lông. Quả phơi khô dùng ăn và được dùng làm thuốc giải nhiệt. Nhựa cây cậy có chất dính, thường dùng để phết dán quạt giấy.

    Cậy

    Cậy

  27. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  28. Hà Ra
    Một cửa biển thuộc xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dưới triều Minh Mạng, đây là một cửa biển quan trọng, có đặt đồn biên phòng. Ngày nay cửa đã bị bồi lấp.
  29. Nhà lẫm thượng
    Nhà có lẫm (đồ quây kín có mái che, dùng để chứa thóc hoặc ngũ cốc) ghép bằng ván, kê cao.
  30. Nằng nằng
    Kiên trì, quyết làm một điều gì đó cho bằng được (cũng như nằng nặc).
  31. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  32. Có bản chép: hẹn hò.