Hệ thống chú thích

  1. Chợ Bà Quẹo
    Tên một cái chợ thuộc địa bàn quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được thành lập năm 1967, sau 1975 đổi tên thành chợ Võ Thành Trang.

    Chợ Võ Thành Trang

    Chợ Võ Thành Trang

  2. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  3. Chợ Bàn Cờ
    Một ngôi chợ trước đây thuộc đường Bàn Cờ nằm gần chung cư Bàn Cờ, Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Chớ bán gà ngày gió, chớ bán chó ngày mưa
    Ngày gió gà dễ bị toi, ngày mưa thì chó xấu mã.
  5. Chợ Bàn Thạch
    Một chợ phiên họp tại phía nam cầu Bàn Thạch, thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Chợ họp sáu phiên chính vào các ngày mồng 2, 6, 12, 16, 22 và 26 hằng tháng, ngoài ra chợ còn họp vào mỗi buổi sáng. Đây là một ngôi chợ khá sầm uất nằm sát Quốc lộ 1A ở phía nam tỉnh Phú Yên. Những cánh đồng hai bên bắc nam sông Bàn Thạch là nơi sản sinh rất nhiều lươn, nên trước đây, lúc việc đi lại chuyên chở còn khó khăn, chợ Bàn Thạch là đầu mối nơi lái buôn thu mua lươn để mang về bán lại tại thị xã Tuy Hoà.

  6. Chợ Bằng Gồi
    Chợ nổi tiếng ở cạnh Thăng Long, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
  7. Chợ Bè
    Một ngôi chợ truyền thống ở làng Thịnh Xá, tổng Yên Ấp, nay thuộc xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  8. Chợ Bến Nghé
    Một ngôi chợ được xây dựng vào đầu thế kỉ 18 tại khúc sông Bến Nghé nay thuộc phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Sau này chợ được gọi là chợ Cũ, hiện nay không còn nữa.
  9. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  10. Chợ Bến Thuế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Bến Thuế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  12. Chợ Bến Tre
    Trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh, nằm tại phường 2, thị xã Bến Tre. Chợ cũ được xây dựng năm 1985. Chợ mới được xây dựng lại với kiến trúc hiện đại vào năm 2000. Chợ nằm bên bờ sông Bến Tre, nên còn là bến đỗ của các loại ghe tàu vận chuyển hàng hoá và hành khách từ các nơi về thị xã.

    Chợ Bến Tre cũ

    Chợ Bến Tre cũ

  13. Chợ Biên Hòa
    Tên một ngôi chợ cũ ở Biên Hòa, Đồng Nai, nằm gần sông Đồng Nai, được xây từ cách đây khoảng ba trăm năm. Hiện nay chợ đã được xây mới.

    Bến chợ Biên Hòa ngày trước

    Bến chợ Biên Hòa ngày trước

  14. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  15. Chợ Bỏi
    Một trong những chợ xưa của Hà Nội, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
  16. Chợ Bùng Binh
    Chợ nằm ở vị trí nay là quảng trường Quách Thị Trang, thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đối diện chợ Bến Thành. Tại đây ngày 25 tháng 8 năm 1963, nữ sinh viên Quách Thị Trang đã bị bắn chết khi đang tham gia biểu tình phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chế độ Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm.
  17. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  18. Chợ Cà Mau
    Tên ngôi chợ nằm bên bờ sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng hơn 200m, thuộc địa bàn phường 8 ở trung tâm thành phố Cà Mau, chuyên bán nông sản, trái cây và thứ hàng rất đặc trưng là chiếu rong - đã được soạn giả Viễn Châu nhắc đến trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu.
  19. Chợ Cái Cơm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cái Cơm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Chợ Cái Răng
    Còn gọi là chợ Lê Bình (đặt theo tên một liệt sĩ đánh Pháp), nay thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

    Chợ Cái Răng

    Chợ Cái Răng