Hệ thống chú thích

  1. Thú
    Nhà (từ Hán Việt); thú quê: nhà quê.
  2. Thứ
    Tương đương vớp "lớp," một cách phân đoạn trong các vở tuồng, cũng được dùng trong văn thơ ngày trước.

    Đoạn này tới thứ Nguyệt Nga
    Ở đây tính đă hơn ba năm rồi
    (Lục Vân Tiên)

  3. Thu ba
    Sóng mùa thu (chữ Hán). Thường được ví hoặc phiếm chỉ mắt người con gái (trong sáng, lấp lánh như sóng mùa thu).
  4. Thủ cấp
    Đầu người bị chặt. Thời Chiến Quốc, nhà Tần ban quy chế cứ chém được nhiều đầu giặc thì được thăng một cấp, nên mới gọi cái đầu là thủ cấp 首級.
  5. Thu choa
    Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều của một số địa phương Bắc Trung Bộ, thường dùng với kiểu cách bề trên, như "chúng ta," "chúng tao"...
  6. Thủ Dầu Một
    Địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, và cũng là tên cũ của tỉnh này. Theo PGS.TS Lê Trung Hoa trong cuốn Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam bộ và tiếng Việt văn học thì địa danh Thủ bao gồm từ tố thủ (trước chỉ đồn canh, sau chỉ một chức vụ người đứng đầu một thủ) và dầu một do địa phương này ngày xưa có một cây dầu cao vượt hẳn những cây dầu khác trong vùng.
  7. Thủ Độ
    Tên một làng nay thuộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nghề mộc truyền thống An Tường chủ yếu ở địa bàn hai làng Thủ Độ và Bích Chu.
  8. Thủ Đoàn
    Một địa danh trước đây thuộc địa phận tỉnh Long An.
  9. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  10. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  11. Thủ khoa
    Đứng đầu trong một kì thi (từ Hán Việt).
  12. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  13. Thư lại
    Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
  14. Thủ lễ
    Giữ lễ phép. Nghiêng mình thủ lễ tức là nghiêng mình chào cung kính, giữ phép tắc.
  15. Thù lù
    Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả lụp bụp

    Quả lụp bụp

  16. Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp
    Cổ Bi, Cổ LoaCổ Pháp (gọi chung là Tam Cổ) được coi là ba vùng đất địa linh nhân kiệt trong lịch sử nước ta.
  17. Thứ nhất đẻ con giai, thứ hai đi đánh giặc
    Đây được coi là hai việc rất danh giá, vinh hiển thời phong kiến.
  18. Thụ nhục
    Chịu nhục nhã.
  19. Thụ Phúc
    Tên cũ là Thụ Triền, là một xã cũ, trước đây thuộc tổng Thụ Phúc, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
  20. Thư sự
    Chuyện sách vở, học hành (chữ Hán).