Hệ thống chú thích
-
- Ráng mỡ gà có nhà thì chống
- Khi bầu trời xuất hiện ráng màu mỡ gà thì có thể có bão lụt.
-
- Răng nỏ
- Sao không (phương ngữ miền Trung).
-
- Răng vàng
- Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
-
- Rành
- Biết rõ, thạo, sành.
-
- Rành rạnh
- Rõ ràng một cách chắc chắn, không thể nào sai được.
Cổ kì oai ấy còn rành rạnh
Cung điểu ca đâu khéo tỏ tường
(Vịnh Hàn Tín - Lê Thánh Tông)
-
- Rành rành
- Một số nơi gọi là cây rang hoặc cây chổi trện, một loại cây mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi. Rành rành được khai thác để làm chổi, gọi là chổi rành rành, chổi rang, chổi xể, hoặc chổi trện.
-
- Rảnh rơ
- Rảnh rang (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Rào
- Khúc sông (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Rấp
- Che chắn, ngăn lại.
-
- Rắp
- Toan làm việc gì.
-
- Rấp
- Chôn vùi đi không thấy nữa.
-
- Rạp hát bóng
- Rạp chiếu phim (từ cũ).
-
- Rấp nước
- Ngập trong nước.
-
- Rắp toan
- Sắp sửa (từ cũ).
-
- Rầu
- Buồn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Rau bát
- Một loại dây leo thuộc họ bầu bí, sống rất khỏe, mọc hoang và được trồng ở bờ rào lùm cây. Dây bát có nhiều nhánh, tua cuốn, phiến lá dầy hình tim ngũ giác, hoa trắng, quả như trái dưa chuột nhỏ, khi chín có màu đỏ. Có hai loại rau bát là “bát cái” dây nhỏ nhiều lá, đọt được hái làm rau ăn, và “bát đực” ít lá, được thái lát phơi khô, sao qua làm thuốc nam.
-
- Rau bợ
- Một loại rau dại mọc nhiều ở các bờ ao, rãnh, mương, đầm lầy, thân bò ngang mặt bùn, lá nổi trên mặt nước hay vươn lên khỏi mặt nước. Rau bợ có vẻ ngoài rất giống cây me đất, ăn bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, tanh giống diếp cá. Rau phơi khô dùng như trà thuốc có tác dụng giải nhiệt cơ thể, trị ngứa, rôm sảy mùa hè.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Rau chành
- Rau vặt vãnh (phương ngữ Bắc Trung Bộ).