Hệ thống chú thích
-
- Ngâu
- Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).
-
- Ngầu
- (Chó) vồ cắn, gầm gừ.
-
- Ngầy
- Phiền nhiễu, bực mình.
-
- Ngày cơ tháng thiết
- Ngày tháng gấp rút, cần kíp.
-
- Ngày con nước
- Theo dân gian, ngày con nước được coi là một ngày xấu, trăm sự đều kị, nhất là sự việc xảy ra lại rơi vào giờ con nước (thuỷ triều) xuống. Mỗi tháng âm lịch có hai hoặc ba ngày con nước:
Tháng 1 + 7 : ngày 5 – 19
Tháng 2 + 8 : ngày 3 – 17 – 29
Tháng 3 + 9 : ngày 13 – 27
Tháng 4 + 10: ngày 11 – 25
Tháng 5 + 11: ngày 9 – 23
Tháng 6 + 12: ngày 7 – 21.
-
- Ngầy ngà
- Rầy rà, phiền nhiễu.
-
- Ngày rày
- Lâu nay (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Nghè
- Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.
-
-
- Nghệ
- Nghề (từ Hán Việt).
-
- Nghệ
- Một loại cây thuộc họ gừng, mọc chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nơi có độ ẩm và lượng mưa thích hợp. Dân gian dùng nghệ để làm thuốc hoặc làm gia vị cho các món ăn.
-
- Nghệ An
- Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.
Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...
-
- Nghèo rớt mùng tơi
- Có hai cách hiểu về câu này. Theo cách phổ biến, mùng (mồng) tơi ở đây chỉ loại dây leo quấn, mập và nhớt, lá dày hình tim, lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường.
Khi nấu canh mùng tơi, lá mùng tơi có nhiều rớt (nhớt) nên khi múc canh vào bát, môi canh trơn tuột, không dính tí gì. Nghèo rớt mùng tơi là nghèo xơ nghèo xác không có chút của cải gì.
Theo cách giải thích thứ hai, mùng tơi là phần trên của chiếc áo tơi (phần dày nhất và khâu kĩ nhất) - loại áo khoác dùng để che mưa nắng, thường được làm bằng lá cây, thường là lá cọ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau, rất quen thuộc trong các gia đình nông dân Việt Nam trước đây. Khi áo tơi rách thì mùng tơi vẫn còn, dùng cho đến khi rớt (rơi) hết mùng tơi chứng tỏ rất nghèo.
-
- Nghì
- Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
-
- Nghi nga
- Thả sức, tha hồ.
-
- Nghi vệ
- Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.
-
- Nghĩa An
- Một địa danh nay là xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nằm dọc theo bờ biển Đông.