Hệ thống chú thích
-
- Nằm dưng
- Nằm không, nằm một mình.
-
- Nam Đàn
- Tên một huyện nằm ở hạ lưu sông Lam, phía Đông Nam tỉnh Nghệ An. Nam Đàn có nhiều làng nghề truyền thống như làng mộc nề Nam Hoa, làng rèn Quy Chính, làng tương Tự Trì, làng nón Đông Liệt, các làng dệt Xuân Hồ, Xuân Liễu, Tầm Tang, làng nồi đồng Bố Ân, Bố Đức, làng gạch ngói Hữu Biệt, làng dầu bông, dầu lạc Đan Nhiệm, Đồng Trung v.v.
-
- Nam đáo nữ phòng
- (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:
Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm
(Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.
-
- Nằm đất nhà cô hàng hương còn hơn nằm giường cô hàng cá
- Nhà làm hương (nhang) thì lúc nào cũng thơm tho, không tanh tao như hàng cá.
-
- Nam Định
- Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...
-
- Nằm đò
- Đi đò dọc (tiếng địa phương).
-
- Năm Đồng
- Có nguồn chép là Nam Đồng, tên một đồn nằm ở phía tây thành Thăng Long. Vào đêm mùng 4 tết Kỷ Dậu (1779) trong trận Ngọc Hồi, đô đốc Long của quân Tây Sơn tấn công đồn này, sau đó tiến vào đánh đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị cùng binh lính tháo chạy hỗn loạn. Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết... Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được..."
-
- Nằm gai nếm mật
- Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu Ngọa tân thưởng đảm, xuất phát từ một điển tích trong chiến tranh Ngô-Việt vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục, kể cả việc phải nếm phân của Phù Sai. Khi được thả về, ông thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mĩ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng nếm để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh lấy được Ngô.
-
- Nam Hà
- Một tỉnh cũ ở đồng bằng sông Hồng, tồn tại trong giai đoạn 1965 - 1975 và 1991 - 1996. Địa bàn tỉnh Nam Hà tương đương với hai tỉnh Nam Định và Hà Nam hiện tại.
-
- Nam Hán
- Một vương quốc tồn tại từ năm 917 đến năm 971, trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), địa bàn trải dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, kinh đô đặt ở Hưng Vương Phủ, ngày nay là thành phố Quảng Châu. Tên nước ban đầu là Đại Việt, sau đó đổi thành Đại Hán, trong sử gọi là Nam Hán để phân biệt với nước Bắc Hán trong cùng thời kì.
Nam Hán giáp giới với nước ta, lúc ấy có tên là Tĩnh Hải quân (quân là một đơn vị hành chính quân sự đặt ra thời Đường, mỗi quân do một Tiết độ sứ cai trị). Trong một thời gian ngắn (từ khoảng 930-931), Nam Hán chiếm được Tĩnh Hải quân (bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) nhưng không giữ được do bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi. Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu (Phú Thọ) - nổi lên giết chết Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Dương Đình Nghệ để nắm quyền, cũng xưng là Tiết độ sứ. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nghe tin, từ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán liền đưa quân sang, nhưng bị đánh bại tại trận Bạch Đằng (năm 938).
-
- Năm hằng
- Ngũ thường, năm điều trong đạo hằng (đạo luân thường). Xem thêm chú thích Cương thường.
-
- Nam hoàng
- Vua nước Nam.
-
- Nam Kinh
- Địa danh nay là thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nam Kinh nghĩa là "thủ đô phía Nam," được xem là một trong bốn cố đô lớn của Trung Quốc.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Nam Lò
- Loại gió Nam thổi vào mùa hè ở Bình Định. Gió thổi rất mạnh, nhiều khi thổi trốc cả cây cối, nhà cửa. Vùng biển dọc theo triền phía đông bán đảo Triều Châu, ngọn gió thổi lại còn mạnh gấp bội, nhất là tại Eo Vượt. Ghe thuyền đi qua gặp lúc Nam Lò thổi mạnh thì khó tránh khỏi tai nạn.
-
- Nam mô
- Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- Năm ngày công ích
- Một chính sách do thực dân Pháp lập nên ở Trung Kỳ, theo đó mỗi công dân đến tuổi phải làm thêm năm ngày lao động công ích.
-
- Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận
- Một cách nói bỡn cợt có nguồn gốc từ câu "Nam nhi chi chí, nữ nhi chi hạnh."
-
- Nam Ô
- Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).